Tin tức & sự kiện > CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG “NGƯỜI LÍNH” CHỐNG DỊCH (1)

CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG “NGƯỜI LÍNH” CHỐNG DỊCH19:50 CH - 20/07/2021

Trong những ngày dịch bệnh COVID-19 đang căng thẳng tại TP. Hồ Chí Minh, câu chuyện về các y bác sĩ, nhân viên y tế gác lại chuyện riêng, xung phong vào điểm nóng khiến chúng ta cảm thấy càng ấm lòng và tự hào hơn.

Từ đầu tháng 6, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM (trực thuộc Bộ Y tế) đã chủ động, tình nguyện tham gia nhiều hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 cùng Ngành Y tế thành phố như lấy mẫu cộng đồng, tiêm ngừa văc-xin,... Và ngay khi được Bộ Y tế điều động, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM đã dốc toàn bộ lực lượng tinh nhuệ để “đóng quân” tại các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tại Bệnh viện dã chiến số 2 (Khu tái định cư 12 tầng, Phường Tân Thới Nhất, Quận 12), Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.Hồ Chí Minh tham gia 55 cán bộ y tế (20 bác sĩ và 35 điều dưỡng) và tại Bệnh viện dã chiến số 3 (Khu Tái định cư phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức) là 40 nhân viên y tế (10 bác sĩ, 30 điều dưỡng) cùng “chung vai sát cánh” với các lực lượng y tế của Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt những ngày qua.
 
MẸ CẤP CỨU NGAY NGÀY ĐẦU CHỐNG DỊCH
 
Một trong số những câu chuyện đó là câu chuyện của nữ điều dưỡng Trần Thanh Hiền (42 tuổi), BV RHMTW TP.HCM. Ngay ngày đầu tiên đi tham gia chống dịch, gia đình thông báo là mẹ chị đang cấp cứu. Bà bị bệnh tiểu đường hơn 30 năm, giai đoạn này dễ biến chứng nên bệnh xuất hiện đột xuất. Được sự đồng ý của Ban giám đốc Bệnh viện, chị vội vã về lo việc gia đình, nhưng ngay sau khi lo liệu ổn thỏa, chị Hiền đã lên xe quay trở lại Bệnh viện dã chiến số 2 để cùng chiến đấu với đồng đội.
Bên cạnh điều dưỡng Hiền không chỉ có đồng nghiệp mà gia đình cũng luôn ủng hộ và là hậu phương vững chắc để chị hoàn thành tốt công việc: “Mọi người trong gia đình luôn động viên tôi cố gắng, giữ gìn sức khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước khi đi chống dịch tôi cũng cố gắng thu xếp công việc nhà, hai con nhỏ ở nhà cùng ba. Tôi có dặn các bé khi mẹ vắng nhà phải tự chăm sóc bản thân, nghe lời và chăm chỉ học tập…”, điều dưỡng Hiền chia sẻ.
 
NỮ ĐIỀU DƯỠNG TẠM QUÊN CHUYỆN GIA ĐÌNH CÙNG ĐỒNG NGHIỆP RA MẶT TRẬN CHỐNG COVID-19
 
Không chỉ có điều dưỡng Hiền mà còn rất nhiều y bác sĩ, nhân viên y tế khác cũng gác lại chuyện riêng, thậm chí có những người không thể chịu tang người thân hay nhiều năm chưa được về thăm gia đình do chống dịch...
Từ khi bùng dịch từ tháng 6 đến nay, Điều dưỡng Phạm Nguyễn Phương Linh đã tham gia vào công tác lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng rong ruổi ở các vùng tâm dịch của thành phố. Và ngay khi có lệnh điều động,Chị Linh đã xung phong đăng kí vào đội tình nguyện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại  Bệnh viện dã chiến số 2.
Làm trong môi trường phơi nhiễm cao, khi nghe tin đồng nghiệp trở thành F0 ai nấy đều đau lòng, đã có suy nghĩ thoáng lên “một ngày nào đó có tới lượt mình hay không?”. “Chính vì vậy, các anh em đồng nghiệp tự nhủ với nhau phải cẩn thận, nỗ lực hơn nữa vì người đi rồi thì người ở lại sẽ nhiều công việc hơn. Chúng tôi cũng thường xuyên gọi điện, động viên lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”, chị Linh cho hay.
Chị cũng tâm sự: “Điều chúng tôi mong muốn nhất ở thời điểm này là nhanh hết dịch, mọi người được về nhà, ai cũng khỏe mạnh và không có bệnh nhân tử vong. Hết dịch, tôi sẽ mời mọi người đến nhà liên hoan một bữa vì lâu lắm rồi, 2 năm nay tôi gần như ở riêng, không có giao lưu, gặp gỡ gia đình, bạn bè…”. Dù cuộc chiến chống dịch khó khăn, nhưng chị Linh luôn lạc quan và chia sẻ: “Vì mình còn trẻ nên cứ cống hiến, làm việc hết mình, đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên”.
 
ĐỒNG CẢM VỚI NỖI ĐAU CỦA BỆNH NHÂN
 
TS.BS Huỳnh Văn Dương - Trưởng đoàn của bệnh viện tại bệnh viện dã chiến số 3 trăn trở “Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, anh em đã xung phong lên đường ngay từ khi bệnh viện phát động. Anh em cũng đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho những vất vả khi nhận nhiệm vụ nhưng thực tế hoàn cảnh càng khó khăn gấp bội. Mỗi khi bệnh nhân đột ngột trở nặng là cả đội không kể bác sĩ hay điều dưỡng cố gắng hết sức, bất chấp nguy cơ nhiễm bệnh rất cao để hi vọng giành lại sự sống cho bệnh nhân. Có lẽ áp lực tại đây là quá lớn trong suốt quá trình hành nghề của mình nhưng anh em trong đội luôn cố gắng động viên nhau, cố gắng lấy lại tinh thần để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ”.
TS Dương tâm sự “nhiều khi mệt mỏi khôn cùng muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến nỗi khổ và sinh mệnh của những bệnh nhân COVID-19 hoàn toàn phụ thuộc vào các y bác sĩ ở đây, chúng tôi lại tiếp tục cố gắng bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm của mình, làm tất cả những gì có thể. Mong sao dịch sớm ổn định, bà con sớm mau lành bệnh để về với gia đình”.
 
ĐỘI QUÂN CHỜ TÓC DÀI
 
Trong những ngày vừa qua, chúng ta đều đã nghe, đã thấy những hình ảnh cảm động, những câu chuyện làm rơi nước mắt của những người làm ngành y tế. Họ không chỉ hy sinh về sức lực và tinh thần, mà còn cả những “vẻ đẹp” ngày thường của họ, không còn phấn son, không còn thời gian để chăm chút cho bản thân, trên gương mặt bây giờ là vết khẩu trang chằng chịt lõm sâu, da khô sạm màu, hay là mớ tóc được cạo đi để dễ dàng làm việc…
Chia sẻ về câu chuyện “Đội quân chờ tóc dài”, BSCKI. Nguyễn Quốc Khánh, Đội phó đội xung kích BV RHMTW cho biết: “Trước khi lên đường chống dịch, 24 anh em bác sĩ, điều dưỡng nam quyết tâm cắt trọc tóc và động viên nhau rằng, chúng ta đi chưa biết ngày về, tóc dài khi nào không quan trọng, cứ cắt ngắn đi để lo cho công tác phòng chống dịch”.
 
---------------------
Hành trình chống dịch là hành trình dài với nhiều những câu chuyện mà chúng ta chưa bao giờ ngờ tới. Có lẽ sẽ khiến chúng ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, nhưng điều đọng lại là sự hy sinh, cống hiến hết mình của đội ngũ nhân viên y tế. Để giọt nước mắt rơi ngày hôm nay thành nụ cười của ngày mai, chúng ta hãy cùng cố gắng vượt qua đại dịch nhé!
 

Các bài viết khác

Đăng ký nhận tin Hỗ trợ trực tuyến

  • Yahoo Messenger
  • Skype

Liên kết logo

Quảng cáo