Tin tức & sự kiện > Thông tin cần biết > Những phụ nữ mặc áo blouse trắng

Những phụ nữ mặc áo blouse trắng 10:15 SA - 15/03/2013

Bởi, dẫu có làm ở bất cứ lĩnh vực nào thì phụ nữ vẫn luôn là những người phải chịu nhiều áp lực và hy sinh nhất. Phụ nữ ngành y cũng không nằm ngoài quy luật ấy...

Từ những bác sĩ ở Khoa Hồi sức tích cực

Ai đó đã ví von rất khéo như thế này về người làm hồi sức tích cực (HSTC): Người làm HSTC như người làm xiếc đi trên dây, nếu sơ sẩy là có thể nguy hiểm đến sự sống còn của bệnh nhân. Khi có điều gì xảy ra với bệnh nhân, họ không chỉ bị ảnh hưởng đến sự nghiệp mà còn vô vàn những áp lực khác từ phía người thân, gia đình và dư luận xã hội... Vì những bệnh nhân đã vào đây điều trị đều là những bệnh nhân ở tình trạng ngàn cân treo sợi tóc, hầu như ở tình trạng hôn mê sâu, tổn thương nhiều bộ phận... “Nếu như người làm công tác cấp cứu đòi hỏi phải xử trí nhanh, dồn dập thì người làm hồi sức lại luôn ở trong tình trạng căng thẳng nặng nề, cho nên công tác điều trị thường kéo dài đeo đẳng, kiên trì và đầy áp lực.... Vì thế, tôi thật sự khâm phục những đồng nghiệp nữ làm HSTC...” - đó là lời nhận xét của một nam bác sĩ đã gắn bó gần 20 năm với chuyên ngành hồi sức cấp cứu chia sẻ với tôi khi được hỏi về công việc của các nữ bác sĩ ở đây. Cũng thể hiện sự trân trọng và hy sinh thầm lặng của những nữ bác sĩ, TS. Đào Xuân Cơ - Khoa HSTC, BV Bạch Mai đã có những phút trải lòng rất chân thành. Chị em làm nghề y so với nghề khác là một thiệt thòi lớn. Ngay từ quá trình học đại học đã mất 6 năm, 6 năm ấy nhiều bạn bè học ngành khác đã ổn định công việc, gia đình. Tuy nhiên, sự nghiệp ấy còn phải kéo dài thêm 3, 4 năm nữa mới trở thành bác sĩ chính. Trong ngành y, việc không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới là điều không thể thiếu. Đối với ngành hồi sức cấp cứu cũng vậy, bởi những kỹ thuật mới và những kiến thức mới luôn luôn thay đổi và đòi hỏi phải cập nhật hằng ngày. TS. Lê Thị Diễm Tuyết - Phó Trưởng khoa HSTC, người đã gắn bó với công việc này đã hơn 20 năm chia sẻ, phải yêu nghề mới tồn tại và trụ lại với công việc... vì với các bác sĩ, những đêm trực BV là bài ca “dạ khúc trắng”. Hầu như chẳng có những đêm ngủ ngon, nếu có chợp mắt thì đôi tai phải rất thính để nghe được tín hiệu bất thường của máy móc. Điều dưỡng và bác sĩ luôn phải đứng sát bệnh nhân như hình với bóng để giành giật sự sống cho họ. Ai cũng biết phụ nữ thức đêm sẽ không tốt cho nhan sắc, nhưng không còn cách nào khác, vì công việc, những bác sĩ và điều dưỡng vẫn theo sát bệnh nhân của mình từng phút, từng giờ. Đã có nhiều người ra đi vì không thể chịu được áp lực và cường độ làm việc liên tục...


Phút giải lao của những nữ bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực.

 
Đến nhân viên y tế thôn bản

Trong những bông hoa của ngành y tế còn có rất nhiều nhân viên y tế thôn bản, những người gắn mình với y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Một trong rất nhiều nữ nhân viên y tế tôi đã gặp là nữ y sĩ Hoàng Thị Tươi, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang - người tình nguyện lên vùng cao công tác hơn 20 năm nay. Mảnh đất mà chị đã gắn bó suốt một thời xuân sắc nằm ở một xã vùng cao của huyện Sơn Động, một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Chị bảo, đến giờ chị vẫn không quên cái cảm giác khi mới về vùng heo hút này làm việc, vắng vẻ, thưa thớt, sương mù giăng mắc khắp nơi, chẳng biết lúc nào là trưa, lúc nào là sáng, chỉ khi nào bụng đói thì ăn. Thế nhưng, chị vẫn bám trụ và gắn bó với mảnh đất này, coi nó là quê hương thứ hai của mình. Xác định gắn bó với mảnh đất này, yêu mảnh đất này và quý mến bà con nơi đây nên hàng trăm khó khăn ở vùng cao với phương tiện truyền thông hạn chế đã thôi thúc chị mỗi ngày, gác lại việc nhà, con nhỏ để cần mẫn như con ong trèo đèo, lội suối lặn lội đi từng thôn, bản, đến từng nhà giải thích tìm hiểu, nghe họ giãi bày, thậm chí cả xua đuổi, và những lời lẽ khó nghe... Bằng tấm chân tình và trách nhiệm của một cán bộ y tế, những chuyển biến dần dần trong cộng đồng đã đến với chị. Các bà, các mẹ đã đưa con đi tiêm phòng đầy đủ, phụ nữ mang thai đến khám thai thường xuyên và sinh đẻ tại trạm, người dân tự nguyện đến trạm y tế khám khi ốm đau bệnh tật, hủ tục cúng, chữa bệnh bằng lá đã dần được xóa bỏ. Trạm y tế bây giờ đã là địa chỉ quen thuộc của bà con nơi đây.
Trên chỉ là những tấm gương đại diện cho đội ngũ nữ nhân viên y tế ở những vị trí công việc khác nhau, nhưng ở họ có chung một điểm là tất cả vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng... Những cống hiến, những hy sinh ấy rất khó để nói hết thành lời, hát thành bài mà chỉ được thể hiện bằng sự trân trọng trước những hy sinh thầm lặng của các mẹ, các chị - những phụ nữ khoác trên mình chiếc bluse trắng diệu kỳ.

 Nguồn: Theo báo Sức khỏe và Đời sống

Đăng ký nhận tin Hỗ trợ trực tuyến

  • Yahoo Messenger
  • Skype

Liên kết logo

Quảng cáo