QLCL > Hỏi đáp thắc mắc > Chăm lo quyền lợi cho bệnh nhân BHYT

Chăm lo quyền lợi cho bệnh nhân BHYT 14:27 CH - 25/02/2013

Hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện đều đang trong tình trạng quá tải...

 Hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện đều đang trong tình trạng quá tải. Nhân viên y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) có muốn làm hài lòng bệnh nhân cũng không thể làm được. Bác sĩ phải khám hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày nên không còn đủ thời gian chăm sóc và tư vấn cho bệnh nhân.

KCB 15052012.jpg
Khám tai - mũi - họng. (Ảnh minh họa)

Đến bệnh viện công lập thì sợ bị “thờ ơ”  nên một số người có thẻ BHYT tìm đến bệnh viện tư nhân để KCB, chấp nhận đóng thêm một khoản chênh lệch để được chăm sóc tận tình hơn. Thực tế, tại Bệnh viện tư nhân tham gia KCB BHYT trên địa bàn tỉnh, có những đối tượng thuộc diện hộ nghèo đến KCB trái tuyến (hưởng 50%) và khám thường xuyên nhiều lần. Đối tượng hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% mua thẻ BHYT và mức hưởng 95% (cùng chi trả 5%) nhưng một số người tự chọn Bệnh viện tư nhân để điều trị trái tuyến hưởng 50% và ngoài ra còn phải đóng thêm một khoản chênh lệch cho Bệnh viện. Nếu thực sự là đối tượng người nghèo, quyền lợi được hưởng đến 95% nhưng họ ngại đến Bệnh viện công vì sao?

Đa số người tham gia BHYT hiện nay là những người nghèo, đối tượng hưu trí, những người làm công ăn lương... Người tham gia BHYT có thu nhập thấp và là đối tượng dễ bị bệnh. Hiện nay, số lượt người đến KCB tại các cơ sở y tế hơn 90% là đối tượng có thẻ BHYT. Thế nhưng, cơ chế hiện nay bệnh viện xem bệnh nhân BHYT gần như là đối tượng không cần phải chăm lo gì thêm nữa. Nguyên nhân của thực trạng này là do ngân sách đầu tư của Nhà nước thì Nhà nước cấp cho ngành y tế quản lý, còn phần đóng góp của người tham gia BHYT thì cơ quan BHXH quản lý. Tuy nhiên, kinh phí “đầu giường” Nhà nước cấp cho Bệnh viện thì Bệnh viện xem như tiền của họ, còn tiền thu của người tham gia BHYT thì Bệnh viện cho rằng đó là tiền mà cơ quan BHXH phải trả cho người bệnh.

Nhiều Bệnh viện quên mất rằng cơ quan BHXH chỉ trả một phần viện phí cho bệnh nhân BHYT theo quy định, phần viện phí còn lại chính là quỹ tiền rất lớn mà ngân sách nhà nước đã cấp cho Bệnh viện. Bệnh viện cứ luôn cho rằng cơ quan BHXH khắt khe với Bệnh viện trong vấn đề thanh toán như: chọn chi phí thấp để thanh toán, không thanh toán thuốc ngoài thầu nên không đủ thuốc điều trị bệnh nhân, không thanh toán những dịch vụ kỹ thuật khi chưa được phê duyệt của cấp có thẩm quyền (Sở Y tế)… Bệnh viện quên rằng quy định trong thanh toán BHYT đều do Bộ Y tế và Bộ Tài chính qui định, giá dịch vụ kỹ thuật do UBND tỉnh ban hành… cơ quan BHXH chỉ là cơ quan thực hiện theo Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn.

Thực hiện quy trình giám định BHYT theo Quyết định 466/QĐ-BHXH ngày 19/4/2011 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về Ban hành quy trình giám định BHYT; Cơ quan BHXH thực hiện đúng chức năng quyền hạn của ngành, vừa đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, vừa giúp Bệnh viện bảo tồn nguồn quỹ KCB BHYT. Đến cuối năm nếu Bệnh viện được kết dư thì cơ quan BHXH chuyển kinh phí kết dư (không quá 20% trong tổng quỹ năm); nếu cơ sở KCB bị bội chi quỹ BHYT thì cơ quan BHXH phải thẩm định và điều tiết tối thiểu 60% số vượt quỹ. Vì quyền lợi người tham gia BHYT, cơ quan BHXH luôn đảm bảo nguồn kinh phí cấp cho các cơ sở KCB.

Để tăng sự hấp dẫn của BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trước hết cần nâng cao chất lượng các dịch vụ KCB cho người có thẻ BHYT ở tất cả các tuyến; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB, giảm bớt thủ tục hành chính, phiền hà. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, nhất là những cơ sở được đầu tư, trang bị máy móc, trang thiết bị từ nguồn vốn xã hội hóa. Tăng cường công tác tuyên truyền về BHYT với nhiều  hình thức phù hợp các nhóm đối tượng, gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện Luật BHYT.

 
(Quang Tây - theo BS. Minh Thông)

Đăng ký nhận tin Hỗ trợ trực tuyến

  • Yahoo Messenger
  • Skype

Liên kết logo

Quảng cáo