KHÔNG GIAN VĂN HÓA HCM > BÁC HỒ VỚI THANH NIÊN VIỆT NAM

BÁC HỒ VỚI THANH NIÊN VIỆT NAM 16:45 CH - 23/08/2024

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chăm bồi và rèn luyện các thế hệ thanh niên Việt Nam vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bởi theo Người, “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.



Bác Hồ tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cứu quốc, năm 1956. Ảnh: TL
 
Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy vai trò to lớn của thanh niên đối với cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Khi tham gia Đại hội Quốc tế Thanh niên Cộng sản lần thứ IV tháng 7/1924, Người đã chủ trì soạn thảo và trình bày tại Đại hội “Luận cương về thanh niên thuộc địa”. Trong đó, Người nêu lên yêu cầu cấp bách phải tổ chức, tập hợp lực lượng thanh niên cách mạng và hình thành các đoàn thể thanh niên, xây dựng các tổ chức thanh niên cộng sản ở thuộc địa.

Tháng 2/1925, tại Quảng Châu, Trung Quôc, Nguyễn Ái Quốc tổ chức một nhóm thanh niên bí mật gồm 9 người (Lý Thụy, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt, Lâm Đức Thụ, Vương Thúc Oánh, Lưu Quốc Long và Lâm Văn Dĩnh). Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển các tổ chức thanh niên cách mạng theo xu hướng cộng sản,cũng như sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở nước ta.

Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc chính thức thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, với nòng cốt là Cộng sản Đoàn, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong phong trào yêu nước của nhân dân ta, đặc biệt là của thanh niên. Cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên là Báo Thanh niên, với mục đích truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã đặt nền tảng đầu tiên để chuẩn bị cho sự ra đời tổ chức đoàn thanh niên sau này.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất tháng 10/1930, đã thông qua “Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động”. Trong Án nghị quyết có ghi: “Đảng phải thi hành ngay Án nghị quyết của Quốc tế Cộng sản Đoàn và giúp cho Đoàn có tính độc lập…”. Thực hiện Án nghị quyết của Đảng và chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chi bộ đảng ở các địa phương đã cử ngay cấp ủy viên phụ trách công tác đoàn, làm cho phong trào thanh niên ngày càng lớn mạnh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nguyễn Ái Quốc, đến năm 1931 đã xuất hiện nhiều tổ chức đoàn cơ sở trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; một số địa phương đã hình thành hệ thống tổ chức đoàn từ xã, huyện đến tỉnh. Qua cao trào cách mạng 1930 - 1931, với những đóng góp to lớn của đoàn viên, thanh niên cả nước, Ban Chấp hành Quốc tế Thanh niên Cộng sản đã công nhận tổ chức đoàn thanh niên cộng sản ở Việt Nam là một bộ phận của Quốc tế Thanh niên Cộng sản.

Sự ra đời của tổ chức đoàn thanh niên cộng sản của nước ta đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên; là sự vận động khách quan, phù hợp với quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, thể hiện quan điểm sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về vị trí, tầm quan trọng của thanh niên và công tác thanh niên. Từ đây, những người cộng sản trẻ tuổi đã có tổ chức riêng của mình đặt dưới sự lãnh đạo, rèn luyện của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 1/1941, sau 30 năm hoạt động ở ngước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngay sau đó, Người thành lập Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam, tiếp nối sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các tổ chức thanh niên trước đó. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cứu quốc cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng, đoàn viên, thanh niên là lực lượng hăng hái đi đầu trong phong trào chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II từ ngày 25/10/1956 đến ngày 4/11/1956, Bác Hồ đã ân cần căn dặnthanh niên Việt Nam: “Đảng và Chính phủ ta có thể tự hào đã tạo nên một thế hệ thanh niên dũng cảm như các cháu, và mong các cháu tiếp tục phấn đấu hăng hái cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước nhà”.

Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phát triển sâu rộng công tác đoàn và phong trào thanh niên trong cả nước. Hàng triệu đoàn viên, thanh niên hăng hái đăng ký tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong”, nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân với những chiến công xuất sắc, trở thành những tấm gương tiêu biểu, đóng góp xứng đáng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong thư gửi thanh niên ngày 27/1/1969, Bác Hồ khẳng định: “Các cháu xứng đáng là những thanh niên ưu tú của nhân dân Việt Nam anh hùng”. Đồng thời Người căn dặn thanh niên: “Phải nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng, cùng quân dân ta quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược; luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa để ngày càng tiến bộ, đem hết nhiệt tình tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”.

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bản Di chúc thiêng liêng. Trong đó, Người dành sự quan tâm đặc biệt đến thanh niên: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”…”

Thể theo nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, thanh niên cả nước, năm 1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định tổ chức đoàn thanh niên được mang tên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Khi nước nhà thống nhất, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976 đã quyết định Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh mang tên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thanh niên, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm chăm bồi và rèn luyện thế hệ trẻ. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc…”. Đồng thời: “Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại; phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nguồn: tonghop.kiengiang.dcs.vn
 

 
 

Các bài viết khác

Đăng ký nhận tin Hỗ trợ trực tuyến

  • Yahoo Messenger
  • Skype

Liên kết logo

Quảng cáo