Tin tức & sự kiện > Thông tin cần biết > Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm

Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm08:58 SA - 13/04/2013

Ngày 12/04/2013 tại Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi đã có buổi làm việc với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO)

   Trước tình hình nguy cơ dịch cúm A(H7N9) đang diễn biến phức tạp. Ngày 12/04/2013 tại Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi đã có buổi làm việc với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO). Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tham dự và  chủ trì buổi làm việc.


 
   Tại buổi làm việc TS. Trần Đắc Phu – Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đã báo cáo về tình hình cún A(H7N9) tại Việt Nam và công tác chuẩn bị cho phòng chống dịch bệnh (nếu có)trong thời gian qua. Theo đó hiện tại ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A (H7N9) nào. Gần đây có ghi nhận 1 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Đồng Tháp và có liên quan tới ổ dịch cúm gia cầm. Trong thời gian qua ngành y tế trong đó có Cục Y tế Dự phòng đã thành lập các đoàn kiểm tra giám sát tới các địa phương, khu vực cửa khẩu cũng như địa bàn các tỉnh thành phố trọng điểm…

   Tại buổi làm việc đại diện Tổ chức Y tế thế giới có báo cáo tóm tắt về tình hình cúm A(H7N9) tại Trung Quốc và những khuyến nghị của WHO trong việc phòng, chống dịch bệnh. Các thành viên trong ban chỉ đạo cũng đưa ra các ý kiến cũng như trình bày những thuận lợi khó khăn trong quá trình triển khai cho công tác phòng, chống dịch.

   ông Takeshi Kasai - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: Các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) tại Trung Quốc là một trong những trường hợp đầu tiên nhiễm cúm A(H7N9) trên người, bởi đường lây truyền bệnh, cơ chế lây truyền cũng như lây nhiễm bệnh chưa rõ ràng. Những người bệnh khi nhiễm thường rất nặng, có khả năng lây nhiễm cao trên động vật có vú. Ông Kasai cũng cho biết thêm trong thời gian tới Tổ chức Y tế thế giới sẽ phối hợp chặt chẽ, cập nhật thông tin cũng như chia sẻ với Bộ Y tế những thông tin mới nhất về tình hình cũng như diễn biến của dịch. Ông đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Y tế trước ứng phó với dịch trong thời gian qua, các công tác chuẩn bị chủ động và triển khai, nếu có dịch bệnh xảy ra chúng ta sẽ kiểm soát dịch bệnh một cách tốt nhất.

 
            Cũng theo TS. ScottNewman đại diện của tổ chức FAO cho biết: Hiện tại Virus H7N9 chưa khẳng định được đường lây truyền nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định. Chính vì vậy cần có sự phối hợp giữa Bộ/Ngành chức năng để có sự ứng phó tốt nhật khi có dịch bệnh bùng phát. Trong thời gian qua FAO đã hỗ trợ cho Bộ NN-PTNN để ứng phó với virus này như: công tác giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tuy nhiên với tình hình hiện nay, FAO không khuyến nghị tiêm vaccine phòng ngừa đối với chủng virus này dù hiện nay vaccine H7N9 cho gia súc, gia cầm đã có nhưng cần phải nghiên cứu thêm. Ông Scott cũng nhấn mạnh “Cúm A không lây truyền qua đường thức ăn chín, thức ăn an toàn và khuyến cáo người dân không nên sử dụng gia cầm ốm chết”. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc sẽ  phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, Trung Quốc và quốc gia trên toàn cầu để thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin, ứng phó với dịch bệnh này.
 
            Phát biểu kết luận tại buổi làm việc PGS.TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Tại Trung Quốc dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, đã có 38 trường hợp nhiễm bệnh trong đó 10 trường hợp đã tử vong trên 4 tỉnh thành phố, tại Việt Nam chưa phát hiện trường hợp bệnh nhân nào bị nhiễm cúm A(H7N9). Hiện chưa tìm được những căn nguyên lây truyền từ người sang người, cũng như tính tương thích cao của virus, và việc không xảy ra trên động vật mà xảy ra trên người. Sau khi nhận được thông báo trong thời gian qua Bộ Y tế đã phối hợp cùng Bộ/Ngành chức năng đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn nhằm hạn chế tối đa nguy cơ virus này xâm nhập vào Việt Nam. Hiện nay công tác giám sát dịch bệnh này đang được đặt lên hàng đầu, từ việc giám sát dịch bệnh của hành khách nhập cảnh vào nước ta cho tới việc giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm.

   Thứ trưởng cũng cho biết Bộ Y tế cũng đã ban hành phác đồ điều trị cúm A(H7N9) và yêu cầu các cơ sở y tế tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc, máy móc để sẵn sàng ứng phó với nguy cơ cúm A(H7N9)  nếu có dịch bùng phát. Thứ trưởng mong rằng trong thời gian tới tổ chức Y tế thế giới sẽ giúp đỡ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho và cùng phối hợp thông tin thường xuyên chia sẻ những thông tin về nghiên cứu phát hiện cũng như chẩn đoán và điều trị bệnh.


Ngày 14/03/2013 Bộ Y tế sẽ tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch cúm A(H7N9) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.

 
Quang Tây theo Cổng thông tin Bộ Y Tế

Đăng ký nhận tin Hỗ trợ trực tuyến

  • Yahoo Messenger
  • Skype

Liên kết logo

Quảng cáo