I. Mụn rộp: có thể lây nhiễm qua một nụ hôn, dùng chung dao kéo hoặc các tiếp xúc khác về thể chất. Các mụn nước nhỏ xuất hiện ngay trên môi hoặc khu vực lân cận. Mặc dù có thể biến mất sau 1 vài ngày nhưng chúng vẫn gây cảm giác đau đớn, khó chịu.
Ảnh minh họa
II. Nấm miệng: do nấm Candida gây ra, phổ biến ở người già hoặc trẻ nhỏ. Tuy nhiên, người có hệ miễn dịch yếu, mắc bệnh tiểu đường, đang dùng thuốc kháng sinh hoặc corticosteroid dạng hít có thể tạo cơ hội cho nấm Candida phát triển.
III. Lưỡi lông: xuất hiện khi các nhú biểu mô ở lưỡi dài ra và dày lên, nó thường nhiễm sắc “màu đen” do một loại vi khuẩn sắc tố gây nên. Nguyên nhân gây bệnh thường là sử dụng kháng sinh, vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc lá, hít thở bằng miệng, cơ thể không sản sinh đủ nước bọt.
IV. Loét miệng: Hiện vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân dẫn tới các nốt mụn nhỏ, gây đau trong miệng. Tác nhân gây bệnh bao gồm chấn thương, nhiễm trùng, quá mẫn cảm, thay đổi hormone, stress, thiếu vitamin. Triệu chứng bệnh được biểu hiện trên lưỡi, má hoặc lợi. Bệnh có thể kéo dài 1-2 tuần.
V. Bạch sản niêm: là phản ứng của vùng miệng trước một kích thích như răng thô, răng giả bị lắp lệch, nghiện thuốc lá mãn tính, phơi nắng quá nhiều. Bệnh thường không gây đau nhưng rất nhạy cảm khi bị chạm vào hoặc tiếp xúc với nhiệt. Trong một số trường hợp, bệnh có thể là một dấu hiệu tiền ung thư với các mảng bám màu trắng trong miệng.
VI. Lichen phẳng: là một loại phát ban hiếm gặp với các mảng trắng ở niêm mạc má hoặc bờ bên của lưỡi. Nguyên nhân bệnh vẫn chưa được làm rõ. Thông thường, lichen phẳng dạng nhẹ có thể tự khỏi, tuy nhiên, nó cũng có thể trở nên mãn tính và làm tăng nguy cơ ung thư.
VII. Ung thư miệng: Triệu chứng của bệnh là các vết rộp không khỏi sau nhiều tuần, vùng mặt, miệng, cổ tê cứng bất thường, gặp khó khăn khi nhai, nói và nuốt. Nguyên nhân gây ung thư miệng là nghiện thuốc lá, phơi nắng quá nhiều hoặc có tiền sử ung thư trong gia đình.
VIII. Đau khớp hàm (TMJ): có thể gây ra các cơn đau dữ dội ở hàm, mặt, tai và cổ. Siết răng, nghiến răng hoặc chấn thương đều có thể dẫn tới bệnh TMJ nhưng đều có chung một số biểu hiện là đau người, đau đầu, chóng mặt, khó nuốt.
IX. Răng mẻ: Nhai kẹo cứng, nước đá, nghiến và siết răng, để răng tiếp xúc với môi trường quá nóng hoặc quá lạnh cũng có thể khiến răng bị mẻ, nứt và gãy. Các vết mẻ hoặc nứt nhỏ không ảnh hưởng nhiêm trọng tới sức khỏe nhưng chúng có thể gây đau và khiến răng bị tổn hại vĩnh viễn.
X. Viêm nướu răng: Nướu răng đỏ, sưng hoặc chảy máu có thể là do viêm nướu, khiến răng rất dễ bị rụng. Tình trạng này có thể xuất hiện khi chủ thể bị ốm, đang dùng thuốc hoặc một vài vấn đề khác khiến cơ thể dễ lây nhiễm vi khuẩn.
XI. Bệnh nha chu: Cũng giống như viêm nướu, khi mắc bệnh nha chu, các vi khuẩn trong mảng bám có thể khiến đường viền nướu bị đẩy lùi về phía sau. Các túi nha chu dần hình thành, gây nhiễm trùng và có thể dẫn tới tình trạng mất xương.
XII. Sâu răng, áp xe, đổi màu răng: Đánh răng và làm sạch kẽ răng thường xuyên có thể giúp ngăn chặn các vấn đề về sâu răng, áp-xe hoặc đổi màu răng. Nên đi khám nếu thấy răng bị đau nhiều hơn 1-2 ngày hoặc thấy sốt, đau tai hoặc đau khi mở rộng miệng.
(Quang Tây - theo Baomoi)