Ngày 18/3/2013, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức cuộc họp giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống HIV/AIDS và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm với một số bộ, ngành. Chủ trì buổi họp có đồng chí Đỗ Mạnh Hùng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Thanh Long-Thứ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban ngành và đại biểu quốc hội.
Mở đầu buổi họp đồng chí Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế báo cáo tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tổng số nội dung trong Luật cần văn bản hướng dẫn là 25 nội dung, trong đó đã ban hành 21 văn bản để hướng dẫn 24 nội dung còn 01 nội dung chưa có văn bản hướng dẫn là Thông tư liên tịch Bộ Y tế - Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Tòa án nhân dân tối cao – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định cụ thể điều kiện công nhận người bị bệnh AIDS giai đoạn cuối. Việc chưa ban hành được văn bản này xuất phát từ lý do: hiện nay, trên thế giới không có tài liệu nào quy định về “AIDS giai đoạn cuối” mà chỉ chia nhiễm HIV theo bốn giai đoạn lâm sàng, trong đó việc xác định AIDS được dựa trên một trong hai yếu tố là có đầy đủ các dấu hiệu AIDS của giai đoạn lâm sàng thứ 4 hoặc có số lượng tế bào CD4 dưới 200. Trên thực tế, kể cả trong trường hợp người nhiễm HIV đang ở giai đoạn lâm sàng 4 hoặc có số lượng tế bào CD4 dưới 200 nhưng nếu thực hiện tốt việc điều trị bằng thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV thì người đó có thể trở lại giai đoạn lâm sàng thứ 1 với số lượng tế bào CD4 ở mức bình thường. do vậy, không cơ sở y tế nào có thể xác định được người bị AIDS giai đoạn cuối.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thay mặt Bộ Y tế có một số kiến nghị với Quốc hội:
-
Đề nghị đưa luật sửa đổi, bổ sung Luât phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV.
-
Duy trì và nâng mức đầu tư kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS để có thể đảm bảo thực hiện các quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS.
-
Đẩy mạnh hoạt động giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc phân bổ ngân sách và việc thực hiện các quy định của pháp luật về can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.
Toàn cảnh buổi họp
Tiếp theo chương trình Bộ Công an báo cáo tình hình thực hiện quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 10 nghị định, trình Thủ tướng ban hành 1 chỉ thị, 8 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 2 thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành 1 thông tư liên tịch.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho biết, để triển khai thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền 4 nghị định; 4 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6 thông tư, thông tư liên tịch. Để thực hiện Luật Phòng, chống ma túy; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Bộ LĐ, TB và XH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền 7 nghị định; 13 thông tư, thông tư liên tịch.
Phát biểu tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở cả 3 lĩnh vực về cơ bản đáp ứng đúng yêu cầu, việc triển khai thực hiện đã có nhiều kết quả tích cực, tạo ra sự phối hợp đồng bộ. Tuy nhiên, một số lĩnh vực còn chậm, chưa có định hướng cụ thể. Việc huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm và HIV/AIDS còn hạn chế, chưa trở thành hành động thiết thực, cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do vậy thời gian tới cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống tội phạm về ma túy và tệ nạn ma túy. Nghiện ma túy cần được coi là một bệnh và được điều trị lâu dài với các biện pháp y tế, tâm lý và hỗ trợ xã hội. Đồng thời, cần phải tăng cường các hoạt động giám sát, thẩm tra, kiểm tra hoặc báo cáo định kỳ về việc thực hiện luật, nghị quyết; tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy không còn phù hợp. Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn đến biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tạo điều kiện cho việc triển khai các chương trình can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm…
(Quang Tây - Ban biên tập Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế)