Trước nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập, chiều 4-4, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với các chuyên gia dịch tễ, bệnh viện nhằm tìm biện pháp ngăn chặn.
Chưa rõ nguồn lây, không có thuốc đặc trị
Tại Việt Nam, tuy chưa ghi nhận ca nhiễm cúm A/H7N9 nào nhưng theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nguy cơ loại cúm chết người này bùng phát thành dịch là rất lớn. Ông Bình cho biết hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ nguồn, phương thức lây truyền, cách điều trị cũng như các biện pháp dự phòng. “Điều đáng ngại nhất là virus trên có thể biến đổi, kết hợp với các chủng virus khác thành chủng mới với độc lực cao. Trong khi đó, ngành y tế hiện vẫn chưa có vắc-xin và thuốc điều trị” - TS Bình lo ngại.
Mua bán, sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc cũng là nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9
PGS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, thông tin cúm A/H7N9 vẫn được biết đến là virus chủ yếu trên gia cầm, chim hoang dã nhưng hiện đã nằm trong nhóm nguy cơ lây từ động vật sang người. “H7N9 vốn được biết đến là độc tính không cao như cúm gia cầm H5N1 nhưng với những ca tử vong tại Trung Quốc mới đây đã đặt ra vấn đề cần một nghiên cứu đầy đủ hơn về độc lực của virus này” - ông Huấn đề nghị.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cúm A/H7N9 lần đầu tiên được phát hiện trên người, hiện vẫn chưa rõ nguồn lây. “Dù những ca bệnh đầu tiên mà Trung Quốc phát hiện là hai cha con trong cùng một gia đình và đều đã tử vong nhưng cũng chưa đủ bằng chứng để chứng minh virus này lây từ người sang người” - ông Long nhận định.
Khó phân biệt
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết khó khăn trong chẩn đoán bệnh cúm H7N9 là bệnh cảnh lâm sàng tương tự các chủng cúm thông thường khác. Bệnh nhân nhiễm cúm hầu hết ho, sốt, viêm kết mạc, sau đó có thể có triệu chứng viêm phổi cấp. Hiện cũng chưa xác định được hiệu quả của thuốc kháng virus Tamiflu với virus cúm mới này nên việc điều trị nếu có ca bệnh cũng là vấn đề không đơn giản. Bác sĩ Hà đặc biệt lưu ý virus cúm nói chung có thể gây bệnh cảnh nặng dẫn đến tử vong, ngay cả với cúm độc lực không cao như cúm A/H1N1.
“Mới đây, đã có bệnh nhân nhiễm virus cúm H1N1 tử vong. Vì vậy, các ca nhiễm cúm cần được điều trị sớm với thuốc Tamiflu để đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, cũng phải xét nghiệm xem cúm mới này có kháng Tamiflu không để có phương án điều trị mới” - bác sĩ Hà đề nghị.
Kiểm dịch y tế tại sân bay Nội Bài. Ảnh: VÂN ANH
Nhiều ý kiến cũng cho rằng Bộ Y tế cần khẩn trương xác định các yếu tố dịch tễ liên quan để sàng lọc bệnh nhân, đồng thời xây dựng phác đồ điều trị chuẩn đối với cúm H7N9 để phổ biến cho các bệnh viện.
Ngay trong ngày 4-4, Cục Y tế dự phòng đã có công điện khẩn tới Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế đề nghị giám sát chặt chẽ người nhập cảnh Việt Nam, kiểm tra thân nhiệt bằng máy đo nhiệt độ từ xa cho tất cả hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đường hô hấp cấp phải khám sàng lọc, cách ly nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do virus, đặc biệt đi từ vùng dịch về, tiếp xúc với gia cầm bệnh, chết.
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đi kiểm tra công tác chống dịch cúm A/H7N9 tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Tại đây đã bắt đầu triển khai đo thân nhiệt từ xa, kịp thời phát hiện các ca nghi ngờ.
Truy tìm cúm A/H7N9 trên gia cầm
Sáng 4-4, tại cuộc họp trực tuyến về công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở Campuchia và ở Trung Quốc, đặc biệt là tại Trung Quốc với virus cúm mới H7N9. Ông Phát cho rằng việc buôn lậu các loại động vật, không chỉ là gia cầm mà cả trâu, bò, heo và thậm chí các loại nông sản khác đều có nguy cơ đem vào nước ta các loại dịch bệnh. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương quyết liệt ngăn chặn tình trạng này.
Theo ông Phùng Quốc Chướng, Viện trưởng Viện Thú y, Bộ NN-PTNT, chủng virus H7N9 có độc lực thấp với thủy cầm như vịt nhưng với gia cầm trên cạn như gà thì độc lực cao và sẽ gây chết rất nhiều. “Nếu không ngăn chặn được tình trạng vận chuyển, kinh doanh gia cầm trái phép, để chủng virus này lây lan vào Việt Nam sẽ rất nguy hiểm” - ông Chướng nói.
Cục Thú y đã có văn bản chỉ đạo chi cục thú y kiểm soát chặt việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc, đồng thời tiến hành lấy mẫu xét nghiệm xem có phát hiện các loại virus cúm, trong đó có chủng virus H7N9 hay không.
V. Duẩn
|