Tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường cao nhất là ở Tây Nam bộ (hơn 7%); tiếp đó là Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung, thấp nhất là Tây Nguyên, miền núi phía Bắc. Đây là số liệu điều tra mới nhất được Bệnh viện Nội tiết Trung ương công bố hôm qua (2/4 tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Dự án phòng chống đái tháo đường quốc gia năm 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013.
Số nguời mắc đái tháo đường tăng vọt
Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ mắc đái tháo đường 10 năm tại nước ta tăng từ 2,7% lên gần 6%. Đây thực sự là con số đáng báo động. Trong khi đó trên thế giới, cứ 15 năm thì tỷ lệ mắc đái tháo đường mới tăng gấp đôi. Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose tại Việt Nam cũng gia tăng mạnh từ 7,7% năm 2002 lên 12,8% năm 2012.
Bác sỹ kiểm tra đường huyết cho người dân (Hà Nội) nhằm phát hiện sớm bệnh tiểu đường. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN
|
Nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc bệnh này gia tăng trong thời gian gần đây là do sự thay đổi về lối sống, dẫn đến sự thay đổi về dinh dưỡng. Cụ thể là cơ cấu bữa ăn thay đổi với tỷ lệ protein, lipid ngày càng chiếm ưu thế, rau xanh và khoáng chất ngày càng ít. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người có lối sống tĩnh, ít hoạt động thể lực do sử dụng các phương tiện cơ giới thay cho việc hoạt động thể lực trong sinh hoạt và công việc. Sự kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng mất cân đối và ít hoạt động thể lực là nguyên nhân dẫn đến một loạt các yếu tố bệnh sinh của đái tháo đường và hội chứng chuyển hóa, tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận số người bị bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng. Bước đầu bệnh viện đã phát hiện một vài trường hợp mắc đái tháo đường tuýp 2 xảy ra ở vị thành niên có thừa cân béo phì. Nguy hại hơn cả là bệnh nhân thường biết bệnh khi đã muộn, có biến chứng và có thể tử vong ở độ tuổi 50-60, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cá nhân và chi phí của gia đình, xã hội.
Thiếu kiến thức về bệnh
Trên thực tế, kiến thức chung của người dân về bệnh (khái niệm bệnh, biến chứng, yếu tố nguy cơ…) vẫn còn rất hạn chế. Theo thống kê của bệnh viện, chỉ có 0,5% người dân có kiến thức tốt, hơn 75% có rất ít kiến thức về bệnh. Việc người dân thiếu hiểu biết về bệnh, cộng thêm mạng lưới y tế cơ sở còn yếu nên đa phần người bệnh nhập viện khi đã có các biến chứng hết sức nặng nề. Nhiều người thậm chí không hề biết mình mắc bệnh hoặc chỉ tình cờ biết khi điều trị bệnh khác. Theo thống kê, hàng năm số người chết vì các bệnh liên quan đến đái tháo đường tương đương với số người tử vong vì bệnh HIV/AIDS. Không chỉ làm giảm tuổi thọ trung bình từ 5 đến 10 năm, đái tháo đường còn là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa và suy thận giai đoạn cuối ở người bệnh.
Theo Hiệp hội đái tháo đường thế giới, số người mắc đái tháo đường tuýp 2 đang gia tăng tại tất cả các quốc gia. Bệnh thường xảy ra âm thầm, khi biểu hiện rõ thì đã có biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh. Điều đáng nói là 80-90% số người bị bệnh không được phát hiện ở các nước đang phát triển; ở các nước phát triển, tỷ lệ này chỉ là 30%.
|
Theo Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, một thực trạng đáng quan tâm là tỷ lệ người bệnh đái tháo đường trong cộng đồng không được phát hiện ở nước ta là gần 64%, trong đó Tây Nam bộ chiếm tỷ lệ cao nhất, với hơn 72%. Như vậy, tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng tại Việt Nam cũng cao hơn hẳn so với thế giới. Trên thế giới, cứ một bệnh nhân đái tháo đường được quản lý điều trị thì sẽ có một người đái tháo đường trong cộng đồng không được chẩn đoán. Điều này đặt ra cho Dự án mục tiêu quốc gia phòng chống đái tháo đường cần đầu tư nhiều hơn cho vấn đề sàng lọc phát hiện sớm người mắc bệnh tại cộng đồng để quản lý điều trị phòng ngừa biến chứng.
Theo các chuyên gia y tế, những người trên 45 tuổi có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 cao hơn những người dưới 45 tuổi. Những người bị huyết áp cao cũng có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 cao hơn những người khác 3 lần. Người có vòng eo lớn có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn người bình thường 2,6 lần.
Vì thế, Chiến lược quốc gia phòng chống đái tháo đường giai đoạn 2013-2020 đặt mục tiêu tăng cường sàng lọc tại cộng đồng để phát hiện người tiền đái tháo đường, bị đái tháo đường; Đồng thời nâng cao chất lượng can thiệp, đảm bảo 80% các đối tượng sau tư vấn thay đổi lối sống. Đặc biệt, ngành y tế cũng đặt ra chỉ tiêu 80% số bệnh viện tuyến tỉnh có khoa Nội tiết-Đái tháo đường và 60% số bệnh viện tuyến huyện quản lý người bệnh đái tháo đường.
Nguồn từ: Châu Anh - báo tin tức