(Dân trí) - Chân tay run lẩy bẩy không cầm nổi ly nước, hàng chục năm điều trị đủ các phương pháp đông tây y nhưng đều thất bại, nhờ phương pháp kích thích não sâu hai bệnh nhân đang dần tìm lại sự vận động của chính mình.
Ngày 11/4, BS Nguyễn Thi Hùng, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM cho biết lần đầu tiên bệnh viện này đã phẫu thuật thành công hai ca bệnh run vô căn và loạn trương lực cơ toàn thân.Ông Cao Tấn Lộc (66 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) bị mắc bệnh run không rõ căn nguyên từ 15 năm qua. Suốt ngày chân tay ông run lẩy bẩy, mất kiểm soát cầm nắm, ăn uống và vệ sinh cá nhân phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân. Việc điều trị bằng thuốc cho bệnh run vô căn của ông nhiều năm qua đã không còn tác dụng.
Cùng với ông Lộc một bệnh khác là ông Hoàng Quốc Tam (44 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Bình) bị chứng loạn trương lực cơ toàn thân suốt 27 năm qua. Với các biểu hiện co cơ cứng toàn thân, teo cơ toàn thân kèm theo biểu hiện run co thắt cơ theo nhịp, điều trị nội khoa thất bại. Bệnh lý của hai trường hợp trên rất ít gặp trong y khoa.
Qua phẫu thuật, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của GS Jean Paul Nguyễn (chuyên gia phẫu thuật của Pháp) đã tiến hành đặt điện cực kích thích não sâu. Bằng phương pháp này, bác sĩ đưa một dây điện cực vào trong não bệnh nhân, dây điện cực có tác dụng ức chế sự hoạt động bất thường của các nhân trong não. Dây điện cực hoạt động nhờ một đường nối với pin phát xung điện cường độ thấp, đặt dưới da vùng ngực bệnh nhân.
Sau khi được phẫu thuật hiện sức khoẻ của cả hai bệnh nhân đều tiến triển tốt, cơ mềm, cơ không còn trương cứng, cải thiện chức năng vận động. BS Phạm Anh Tuấn, Phó Khoa Ngoại thần kinh, bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, kỹ thuật kích thích não sâu ngoài ứng dụng phổ biến điều trị bệnh Parkinson còn mở ra triển vọng mới điều trị nhiều bệnh lý rối loạn vận động khác tại Việt Nam hiện nay như động kinh kháng trị cùng một số rối loạn tâm thần.
Theo Vân Sơn - dantri.com.vn