Gần đây số bệnh nhân tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) khám do cúm tăng khoảng 10% so với trước. Trong đó, một người tử vong vì cúm H1N1, 3 bệnh nhân khác nhiễm cúm A cũng đang nằm viện. Trong số này có hai bệnh nhân là mẹ con, người mẹ có tổn thương phổi tiên lượng không nghiêm trọng.
Ngoài ra, một bệnh nhân nữ 26 tuổi ở Hà Nội nhập viện hôm 13/4 trong tình trạng khá nặng, X-quang phổi trắng xóa và có biến chứng viêm cơ tim. Sau 2 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã tiến triển tốt hơn nhưng vẫn phải thở oxy. Trường hợp này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm H1N1.
|
Virus cúm H1N1 hiện lưu hành như một chủng cúm mùa thông thường, các ca bệnh thường nhẹ, nhưng vẫn có một tỷ lệ nhất định biến chứng viêm phổi. Ảnh: N.P. |
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang lưu hành đồng thời các chủng cúm B và cúm A - trong đó phổ biến là cúm H1N1 (gây đại dịch năm 2009), H3N2, H2N2... Ngoài ra, virus cúm gia cầm H5N1 thỉnh thoảng có một ca.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), về mặt lâm sàng, tất cả các loại cúm đều giống nhau, chỉ có thể phân biệt dựa vào xét nghiệm. Tuy nhiên, có thể dựa vào yếu tố dịch tễ để có những gợi ý. Chẳng hạn, những trường hợp ho, sốt, khó thở, có tổn thương phổi, cộng thêm việc tiếp xúc với gia cầm, gia cầm nuôi trong nhà bị chết hàng loạt... thì có thể nghĩ đến cúm H5N1. Còn nếu người bệnh từ Trung Quốc đến, có tiếp xúc bệnh nhân H7N9 thì cần đặt vấn đề nghi vấn, để khẳng định chính xác thì phải dựa vào xét nghiệm.
Nhìn chung, biến chứng tổn thương phổi của các chủng cúm đều rất nhanh chứ không riêng gì loại có độc lực mạnh hay yếu, kể cả cúm H1N1, cúm mùa, hay H5N1... "Chúng ta từng chứng kiến diễn biến tổn thương phổi của cúm H5N1 trong vòng vài ba ngày đến một tuần. Những trường hợp nhiễm virus H7N9 ở Trung Quốc thì quá trình này chỉ kéo dài trong một vài ngày và tử vong luôn", tiến sĩ Kính nói.
Ngày 15/4, Thủ tưởng tiếp tục có công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm H7N9 và H5N1. Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm về việc thực hiện “Đề án phòng ngừa việc vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép”. Nơi nào không thực hiện nhiệm vụ sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, phải bị thay thế khi không hoàn thành nhiệm vụ một thời gian dài và đã được nhắc nhở mà không khắc phục.
Trong khi đó Trung Quốc đã ghi nhận thêm 12 trường hợp nhiễm cúm H7N9 mới và 2 ca tử vong tại Thượng Hải. Như vậy, tổng số ca mắc chủng cúm này tại đây đã lên 61, 13 ca tử vong. Bắc Kinh đã ghi nhận ca mắc mới nữa là một bé trai 4 tuổi. Một người hàng xóm của cậu bé đã mua gà từ gia đình của bé gái 7 tuổi bị nhiễm virus trước đó.
|
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, với cúm mùa thông thường (gồm cả cúm H1N1), đa phần bệnh cảnh nhẹ, tự khỏi sau 5-7 ngày, một số ít có diễn tiến nặng hơn. Tuy nhiên, cúm H5N1 hay H7N9 sẽ gây tình trạng viêm đường hô hấp dưới và gây suy đa phủ tạng, do đó thường diễn biến nhanh và rất nặng.
"Điểm khác biệt của cúm H5N1 với cúm thường là sốt cao, người bệnh thấy khó thở, đau tức ngực. Với những biểu hiện này người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để có cách xử trí phù hợp", bác sĩ Hà cho biết thêm.
Cũng theo bác sĩ, người dân không nên chủ quan với cúm H1N1 nhưng cũng không cần quá lo lắng vì nó hiện lưu hành như một virus cúm mùa. Việc có bệnh nhân mắc là điều đương nhiên. Virus cúm này bùng phát vào năm 2009, khi đó Việt Nam xét nghiệm được khoảng 100.000 trường hợp, thế nhưng số ca thực tế có thể gấp 10 lần con số này. Như vậy, vẫn còn khoảng 80 triệu người Việt chưa có miễn dịch và đều có khả năng mắc bệnh. Tỷ lệ nặng lên của bệnh không quá nhiều, tỷ lệ biến chứng viêm phổi chỉ là vài phần nghìn, tỷ lệ tử vong lúc đầu cũng chỉ là 1 trên 1.000.
Để chủ động phòng bệnh, người có biểu hiện cúm như: ho, hắt hơi, sổ mũi nên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị. Bên cạnh đó, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già, trẻ em khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.
Theo Nam Phương - Vnexpress.net