Trước tình hình cúm A/H7N9 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc; tại Việt Nam tái xuất hiện cúm A/H5N1 và một trường hợp tử vong, ngày 12/4, PGS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế và TS. Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã chủ trì cuộc họp giữa hai bên về công tác phối hợp phòng chống cúm gia cầm. Ngày 13/4, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đồng chủ trì cuộc họp với 32 tỉnh trọng điểm, các lực lượng y tế và thú y về công tác phòng chống dịch.
Đo thân nhiệt cho hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Nguồn: Internet
Chủ động xây dựng kế hoạch, kích hoạt hệ thống phòng chống dịch
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã thông báo diễn biến mới nhất về tình hình dịch bệnh cúm A/H5N1 ở Việt Nam và các hoạt động của ngành y tế Việt Nam đã triển khai phòng chống cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 từ đầu năm đến nay. Thứ trưởng cũng cho biết, hiện Việt Nam vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin liên quan đến nguồn truyền bệnh và đường lây truyền bệnh cúm A/H7N9 đang xảy ra tại Trung Quốc.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, trong khi đó Việt Nam là quốc gia có đường biên giới trải dài với Trung Quốc, việc buôn bán gia cầm, nhập lậu gia cầm rất khó kiểm soát, do đó Bộ Y tế nhận định, nguy cơ bệnh cúm A/H7N9 xâm nhập, lan truyền và gây bùng phát dịch ở nước ta là rất cao. Để đối phó với nguy cơ trên, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch, kích hoạt hệ thống phòng chống dịch và phân công nhiệm vụ cho các đơn vị sẵn sàng đáp ứng các tình huống. Phân công Viện Vệ sinh dịch tễ TW và Viện Pasteur TP.HCM (từ Quảng Ngãi trở vào) làm nhiệm vụ xét nghiệm xác định bệnh nhân nhiễm cúm. Khuyến cáo mạnh mẽ cộng đồng thực hiện tốt các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh của ngành y tế. Mặt khác, tiếp tục phối hợp quốc tế trong việc nắm bắt kịp thời thông tin về diễn biến bệnh cúm A/H7N9 tại các quốc gia và chia sẻ những kinh nghiệm phòng chống dịch của các nước, các tổ chức quốc tế, áp dụng một cách phù hợp để triển khai công tác phòng chống dịch tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và TS. Takeshi Kasai chủ trì cuộc họp phòng chống dịch giữa Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: PV
Những nỗ lực trong việc ứng phó với dịch cúm A/H7N9 được đánh giá cao
Phát biểu tại cuộc họp, TS. Takeshi Kasai - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Y tế Việt Nam trong việc ứng phó với dịch cúm A/H7N9. Ông cũng cho biết, WHO rất quan tâm tới cúm A/H7N9 vì đây là lần đầu tiên phát hiện virut này trên người trong khi chúng ta biết quá ít về bệnh cúm này. Cùng với đó, nguồn lây nhiễm của căn bệnh cũng chưa được biết. Ngoài ra, cũng còn nhiều vấn đề chưa biết đối với virut cúm, như vì sao người nhiễm H7N9 lại có bệnh cảnh rất nặng, hơn cả H5N1, rồi hiệu quả của thuốc kháng virut tamiflu đối với cúm A/H7N9 như thế nào...
Về vấn đề vaccin phòng bệnh, hiện có 6 vaccin phòng chủng H7 nhưng các vaccin hiện tại không có tác dụng với virut cúm H7N9 và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) cũng không khuyến nghị tiêm phòng vaccin cho chủng cúm mới này mà cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm. Đối với việc chẩn đoán cúm A/H7N9, mới đây, WHO đã công bố quy trình xét nghiệm bằng Real-time PCR và WHO cũng hy vọng Trung Quốc sẽ chia sẻ với các quốc gia về bộ test trình tự gen để chẩn đoán theo phương pháp PCR.
Tham dự cuộc họp, đại diện FAO tại Việt Nam cũng chia sẻ, mặc dù virut H7N9 bị bất hoạt ở nhiệt độ trên 70oC nên không lây nhiễm qua thức ăn đã nấu chín, nhưng FAO cũng khuyến cáo người dân không nên mua bán, ăn thịt gia cầm ốm, chết. Ngoài ra, đại diện FAO cũng cho rằng, không thể lơ là trước cúm A/H5N1 khi dịch bệnh này đang bùng phát ở Campuchia và ở Việt Nam đã có ca tử vong và xuất hiện virut này trên chim yến.
Diễn tập đối phó với dịch cúm. Ảnh: TM
Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam cho biết, Việt Nam hoàn toàn có thể xét nghiệm được H7N9 bằng phương pháp trình tự gen. Các trung tâm cúm của Việt Nam đang tập trung giám sát nhưng chưa phát hiện H7N9 mà chủ yếu là cúm A/H3N2. Vừa qua, cũng đã tiến hành xét nghiệm H7N9 trên đàn chim yến nhưng không phát hiện mà chỉ có H5N1.
Kết thúc cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam đề nghị WHO, FAO tiếp tục phối hợp chia sẻ những thông tin cập nhật được từ phía Trung Quốc đối với việc xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị cúm A/H7N9 và những kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh ở các quốc gia và các tổ chức quốc tế khác. Về phía WHO, TS. Kasai cũng khẳng định cam kết hỗ trợ, chia sẻ thông tin với ngành y tế Việt Nam và các hỗ trợ kỹ thuật khác khi có yêu cầu.
Theo PV Suckhoe&Doisong
TS. Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng:
Cần cảnh giác với cúm nặng ở người cao tuổi
Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện tại, WHO đang phối hợp với Trung Quốc tích cực tìm ổ chứa và đường lây virut cúm A/H7N9. Trên nhiều hướng nghiên cứu hiện nay cho thấy, virut lây từ gia cầm, chim hoang dã và đặc biệt mới đây tìm thấy mẫu dương tính với cúm gia cầm trên chim bồ câu, trong khi đó nước ta lại có đường biên giới dài với Trung Quốc nên việc lây lan rất có thể xảy ra. Đặc biệt, chúng ta cũng không lường được những biến đổi của virut nên cần thiết phải khởi động nhanh hệ thống phòng chống dịch và liên tục tổ chức các giải pháp triển khai. Ngay sau hội nghị với các tỉnh trọng điểm về công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị tất cả các tỉnh có kế hoạch cụ thể và triển khai đến tận các trạm y tế xã. Thực hiện đúng các biện pháp giám sát, xử lý và phác đồ điều trị để phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh nhân nghi ngờ mắc cúm... Bên cạnh đó, TS. Bình cũng lưu ý, trong 38 trường hợp mắc ở Trung Quốc thì tuổi từ 60 trở lên chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, TS. Bình khuyến cáo, cần cảnh giác với các trường hợp cúm nặng ở người cao tuổi. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chủ động phòng bệnh dựa trên những khuyến cáo của Bộ Y tế nhưng tránh gây hoang mang.
Liên quan đến sự việc cúm A/H5N1 trên chim yến tại Ninh Thuận, TS. Bình cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xét nghiệm virut cúm A/H5N1 và xác định mẫu bệnh phẩm từ chim yến dương tính với virut cúm A/H5N1. |
Sáng 12/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức lớp tập huấn công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9 cho lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo các khoa, phòng thuộc các Sở Y tế, Trung tâm YTDP, BVÐK từ Thừa Thiên Huế trở ra. Theo đó, các chuyên gia của Cục Quản lý KCB, Cục Y tế dự phòng, BV Bạch Mai, BV Bệnh Nhiệt đới TW, Viện vệ sinh dịch tễ TW... sẽ cập nhật kiến thức, kỹ năng ở các chuyên đề như Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh cúm A/H7N9; Phân tuyến điều trị cúm A/H7N9; Kiểm soát lây nhiễm cúm trong cơ sở KCB; Lọc máu trong hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) do cúm A nặng; An toàn sinh học trong lấy mẫu, bảo quản đóng gói và vận chuyển bệnh phẩm cúm A/H7N9… |