Tự cho muỗi hút máu... để nghiên cứu
Những ngày đầu năm Quý Tỵ, các cán bộ Phòng Thí nghiệm Côn trùng y học, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã rất bận rộn với các hoạt động chuẩn bị cho việc triển khai nghiên cứu, đánh giá khả năng thay thế quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên (lây truyền bệnh sốt xuất huyết) bằng quần thể muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia trên đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang vào tháng 4/2013. Nếu thành công, phương pháp này sẽ là biện pháp hữu hiệu góp phần giảm nguy cơ lây truyền bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng.
Ảnh minh họa: từ Internet
Gặp ThS Nguyễn Hoàng Lê, Trưởng phòng Thí nghiệm Côn trùng y học tại phòng nuôi muỗi đúng lúc cô đang cho muỗi “ăn” máu, tôi thật sự bất ngờ khi cô Trưởng phòng trẻ trung, xinh đẹp đó lại tình nguyện cho hàng trăm con muỗi bu và đốt kín hai tay (ảnh). Hoàng Lê chia sẻ: “Tại thời điểm này, chúng tôi đang duy trì hơn 20 lồng muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia, khoảng 300 con/lồng. Muỗi cái Aedes thường xuyên đốt và ăn máu người vì đây là nguồn prôtêin để giúp trứng muỗi phát triển. Do vậy, tôi cùng một số cán bộ trong phòng cũng như tình nguyện viên thường xuyên cho muỗi “ăn” máu, khoảng 1 - 2 tuần/lần”.
Sau khoảng 10 phút cho muỗi “ăn” máu, Hoàng Lê rửa sạch 2 tay, bôi thuốc rồi chia sẻ tiếp: “Tôi không bị dị ứng sau khi cho muỗi đốt nên việc cho muỗi “ăn” máu không hề hấn gì. Toàn bộ số muỗi đang duy trì tại đây là muỗi sạch, mỗi người tình nguyện chỉ cho muỗi “ăn” ở những lồng muỗi nhất định nên không có nguy cơ mắc bệnh do muỗi truyền hoặc từ người này sang người khác”.
Hoàng Lê và những đồng nghiệp tự nguyện cho muỗi đốt và “ăn” máu như cô đều tự nhận đó là việc rất bình thường và chẳng ai có thể nhớ được mình đã cho muỗi ăn bao nhiêu lần. Với những cán bộ này, niềm đam mê công việc và mong muốn tìm ra một phương pháp hiệu quả hơn trong phòng chống sốt xuất huyết là động lực để họ giành mọi thời gian và tâm huyết cho nghiên cứu.
Chia sẻ về công việc của những cán bộ y tế dự phòng, TS. BS Nguyễn Văn Chương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn cho biết: “Nguy cơ gia tăng dịch bệnh sốt rét vẫn còn tiềm ẩn ở trong khu vực miền Trung. Tại đây, rất nhiều người dân vào rừng sinh sống để làm rẫy, khai thác lâm thổ sản nhưng lại chủ quan không mang theo thuốc, cũng chẳng mắc màn khi ngủ. Bởi vậy, cán bộ phòng, chống sốt rét của Viện luôn chủ động trong việc giám sát, nghiên cứu véc tơ truyền bệnh để tiêu diệt mầm bệnh và khuyến cáo biện pháp phòng bệnh cho người dân. Cán bộ chúng tôi phải đi nằm trong rừng, thậm chí phải kéo quần, áo lên để nhử, bắt muỗi đem về thử nghiệm để xác định đó là loại muỗi gì. Do đó, một số cán bộ đã bị sốt rét, phải điều trị dài ngày. Thương nhất là những cán bộ nữ, do tác dụng phụ của việc điều trị sốt rét nên thường bị da xạm, môi thâm...”.
Giúp cộng đồng đẩy lùi bệnh dịch
BS Vũ Đình Thiểm, Trưởng khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ kể, chuyến công tác đáng nhớ nhất của anh là lần đi điều tra nguyên nhân hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi vào giữa năm 2012.
“Vào tới huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi nhanh chóng thành lập các đoàn để điều tra nguyên nhân. Công việc diễn ra khá vất vả, nhiều đoàn kiểm tra phải xuống địa phương 7 - 8 lần mới tìm được đối tượng điều tra. Riêng tôi không đi thực địa mà ngồi tại văn phòng để xử lý thông tin từ các đoàn báo cáo về thông qua 2 máy điện thoại cầm tay lúc nào cũng “nóng”, BS Thiểm kể.
Sau 5 ngày làm việc khẩn trương, các cán bộ dịch tễ đã kết thúc cuộc điều tra (13/5) bằng một bản báo cáo chi tiết, trong đó đưa ra các khuyến nghị về việc thay đổi phương thức trữ gạo của người dân Ba Tơ bằng cách phơi khô thay vì trước đây, sau khi gặt lúa xong người dân thường không phơi khô mà cất đi để ăn dần; vì vậy, gạo thường có nhiều nấm mốc, tích tụ lâu ngày nên gây bệnh cho người dân. Nhờ đó chỉ một tháng sau, tại đây đã không phát hiện bệnh nhân mới. Đến nay, phần lớn bệnh nhân tại xã Ba Tơ đã khỏi bệnh.
Nhờ vào sự nỗ lực của những cán bộ YTDP như BS Thiểm, BS Chương, hay Ths Hoàng Lê…, nhiều bệnh dịch đã âm thầm được đẩy lùi, giảm số ca mắc và tử vong cho cộng đồng. Các BS hệ điều trị nhờ vậy cũng đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, để có được những kết quả này, những cán bộ dịch tễ đã trải qua không ít khó khăn, nguy hiểm.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết: “Có thể nói bất cứ ở đâu có dịch bệnh thì cán bộ YTDP chúng tôi đều có mặt để sát cánh cùng các cán bộ y tế địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng. Vậy nên, dù đã thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế về phòng hộ nhưng sau khi đi chống dịch về, một số cán bộ của Viện vẫn bị mắc bệnh rất nặng, thậm chí có người đã bị nguy hiểm đến tính mạng”.
Công việc vất vả, nguy cơ lây nhiễm bệnh, dịch nguy hiểm luôn cận kề, song điều đáng tiếc là ít ai hiểu được vai trò quan trọng cũng như những khó khăn mà cán bộ YTDP luôn phải đối mặt. Đó là lý do vì sao ngành YTDP nói chung và cán bộ YTDP nói riêng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Thu nhập thấp đang là nguyên nhân chính khiến nhiều cán bộ YTDP luôn muốn “nhảy việc”, còn lớp trẻ thì không muốn về công tác trong ngành YTDP.
Theo GS.TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp về lĩnh vực YTDP, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, để cán bộ YTDP luôn tự hào và yên tâm bám nghề, cần phải xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi cả về đào tạo nguồn nhân lực lẫn tập trung ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất cho YTDP tuyến tỉnh và tuyến huyện. Đặc biệt, cần tăng cường các dịch vụ y tế trong lĩnh vực YTDP để các cán bộ có thêm thu nhập, yên tâm hoàn thành nhiệm vụ về lĩnh vực YTDP được giao.
Hy vọng rằng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều chính sách ưu đãi hơn đối với cán bộ YTDP. Khi các BS hệ YTDP được quan tâm như hệ điều trị thì hiệu quả phòng, chống dịch sẽ được nâng cao, công việc của những cán bộ YTDP lúc đó sẽ được cộng đồng biết đến nhiều hơn chứ không còn thầm lặng như bấy lâu.
(Quang Tây - theo Phương Liên)