Theo thông báo của cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế 2005 của Tổ chức Y tế Thế giới, ngày 29/3/2013 phát hiện 3 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) tại Trung Quốc (1 trường hợp từ tỉnh An Huy và 2 trường hợp từ Thượng Hải), trong đó có 2 trường hợp tử vong. Tất cả 3 trường hợp trên đều có triệu chứng viêm đường hô hấp tiến tới viêm phổi và suy hô hấp. Phòng Xét nghiệm CDC Trung Quốc xác định các trường hợp trên đều dương tính với cúm A/H7N9 có gen từ nguồn gốc gia cầm nhưng kết quả âm tính với cúm A/H3N2, A/H1N1 đại dịch, A/H5N1 và chủng mới của virus Corona. Đây là trường hợp đầu tiên cúm A/H7N9 gây bệnh nặng trên người và chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người.
Cùng sinh ra trong một dòng họ nổi tiếng virut cúm gia cầm, H7N9 mang một đặc tính và một đặc điểm riêng biệt, không giống với anh em nào trong đó. Nó bùng phát và đang đe dọa một biến thể mới.
Tiêm vaccin phòng chống cúm gia cầm H5N1, nhưng chưa có vaccin phòng cúm A/H7N9. Ảnh: Trần Minh |
Khác biệt trong tên gọi
Virut cúm H7N9 thực ra cũng là một trong các thành viên họ nhà virut cúm. Trong dòng họ nhà virut cúm A gia cầm, chúng ta có rất nhiều loại, mỗi một loại là một biến thể so với nguyên thể gốc. Chúng có cấu trúc y hệt nhau và thành phần cơ bản đó là: 1 vỏ, 1 lõi và 1 ARN nhân. Người ta vẫn gọi các virut cúm A gia cầm, trong đó có virut cúm H7N9 là virut có ARN đơn. Vì rằng trong cấu trúc di truyền của nó chỉ có sợi ARN đơn mà không có ADN như những tế bào khác. Khi đó, để nó sinh sản, nó cần tới một enzym sao mã ngược có trong tế bào chủ mà nó lựa chọn để ký sinh. Phân tử ARN này được chứa trong một protein bao ngoài để bảo vệ lõi di truyền. ARN này hoàn toàn không có tính năng tự sinh sản.
Tính quan trọng của virut cúm A gia cầm là khả năng nhân bản và khả năng thâm nhập. Mà khả năng này lại hoàn toàn phụ thuộc vào lớp vỏ virut. Trên lớp vỏ virut có hai thành phần phân tử sinh học quan trọng, chúng ta gọi đó là kháng nguyên. Một được ký hiệu bởi chữ H và một được ký hiệu bởi chữ N.
Chữ H là từ chữ Hemagglutinin, tức là có khả năng gắn kết với hồng cầu. Chữ N là từ chữ Neuraminidase, có khả năng phân cắt phân tử axit neuraminic (còn gọi là axit sialic). Chức năng của hai đại phân tử sinh học này khác nhau và cấu trúc khác nhau. H được đánh số từ 1-17, N được đánh số từ 1-9. Tên gọi H7N9 được xuất phát từ hai phân tử sinh học hoạt hóa có tính sinh miễn dịch là kháng nguyên này. Đây chính là điểm tạo nên sự khác biệt trong cấu trúc virut cúm A gia cầm loại H7N9.
Trong cấu trúc phân tử virut cúm H7N9, phân tử Hemagglutinin là loại phân tử số 7. Hemagglutinin bình thường là một protein có hình gai nhú trên bề mặt virut. Chúng có chức năng giúp virut bám dính vào tế bào vật chủ. Chúng có cấu trúc là 3 dưới đơn vị, mỗi dưới đơn vị có hai chuỗi protein nhỏ, một loại có tính năng giúp virut bám vào màng với phân tử glycoprotein, một loại giúp virut cắm sâu vào màng. Loại H7 có biến đổi cấu trúc không gian khác với các loại khác, khác một số cấu trúc hóa học và có tính năng ưa với tế bào kết mạc gia cầm như gà, có cả người. Tất nhiên, chúng vẫn có ái tính với tế bào đường hô hấp trên. Trong khi đó, H1-H3 lại có ái tính mạnh với tế bào đường hô hấp trên của người và H5 có ái tính mạnh với tế bào đường ruột của chim. Tính năng bám dính và xâm nhập của H7 kém xa so với H1-H3, thi thoảng mới có tính sinh bệnh cao cho vật chủ. Đây là sự khác biệt thứ nhất của H7N9.
Cấu trúc của virus mới coronavirus. |
Neuraminidase trong virut H7N9 là loại N9. Bản chất Neuraminidase có cấu trúc là dưới 4 đơn vị sắp xếp dưới dạng hình vuông, mỗi dưới đơn vị nằm một góc phần tư của hình vuông. Mỗi dưới đơn vị có cấu trúc là 2 chuỗi protein riêng biệt trong đó có một protein hình gai nhú và một protein là trung tâm hoạt động của enzym. Phân tử này có tác dụng giúp virut thoát khỏi tế bào chủ sau khi đã được nhân bản. Hay nói một các khác, nó giúp virut giải phóng khỏi tế bào chủ bằng cách cắt cầu nối của axit neuraminic với phân tử glycoprotein trên màng tế bào và tách virut khỏi tế bào. N9 có cấu trúc sinh học không gian khác với các loại khác, khác ở một số phân tử hóa học và tính năng phân cắt virut khỏi tế bào chủ.
Loại N9 có khả năng kép, Neuraminidase có tính năng như của phân tử sinh học Hemagglutinin, tức là chúng không những có khả năng lan tràn mạnh mà khả năng thâm nhập cũng rất mạnh. Khi phân tử sinh học Hemagglutinin bị ức chế bởi thuốc thì ngay lập tức phân tử sinh học Neuraminidase sẽ hoạt động thay thế và giúp virut xâm nhập vào tế bào. Đây là điểm khác biệt thứ 2. Tuy nhiên, cụ thể khả năng này trong phân tử virut H7N9 đến đâu thì người ta chưa kiểm định được do biến thể này mới xuất hiện.
Khác biệt trong tính sinh bệnh
Virut H7N9 có tính sinh bệnh với con người thấp hơn các virut chủng H1-H3. Chúng chủ yếu có tính sinh bệnh với gia cầm nuôi trong nhà, H7N9 được xếp vào hàng có tính sinh bệnh yếu trong họ hàng nhà virut cúm A gia cầm, mặc dù đôi khi chúng có được tính sinh bệnh mạnh khi có điều kiện thuận lợi.
Tuy có tính sinh bệnh chủ yếu với gia cầm, nhưng trong một số trường hợp, virut này có khả năng gây bệnh trên người. Chúng đặc biệt có ái tính với tế bào kết mạc ở mắt và tế bào đường hô hấp trên. Người bệnh có biểu hiện bệnh bao gồm các triệu chứng viêm kết mạc, viêm đường hô hấp trên và viêm phổi. Viêm kết mạc là hiện tượng ngứa mắt, cộm mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt. Triệu chứng viêm đường hô hấp trên cũng giống như các loại virut khác như sốt, đau mỏi cơ, ho, khó thở, khò khè, khàn tiếng, viêm phổi...
Virut này bùng phát ghi nhận đầu tiên ở Trung Quốc năm 2013. Và chưa có bằng chứng chứng minh khả năng lây từ người sang người hay từ động vật sang người như thế nào? Và cũng chưa xác định được mức độ gây bệnh của loại virut này là mạnh hay yếu vì chưa có thử nghiệm nào với loại virut biến thể mới nhất này. Chỉ biết có một số trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tại Trung Quốc đã tử vong do H7N9.
Virut này có đặc điểm dễ nhạy cảm với điều trị, nhưng dễ kháng lại thuốc do có tính năng xâm nhập kép. H7N9 dễ mẫn cảm với các thuốc điều trị bao gồm các thuốc ức chế neuraminidase như oseltamivir, zanamivir và peramivir. Chúng rất dễ mẫn cảm với các chất kháng khuẩn như dung dịch natri hypochlorit 1%, cồn 700, glutaraldehyde, formalin và iot. Loại virut này dễ bị bất hoạt bởi nhiệt độ 56 - 60ºC trong 60 phút. Chúng có khả năng sinh tồn ở nước ao hồ và ở nước 220C chừng 4 tuần, còn ở nước 00C, chúng có thể tồn tại và sinh bệnh tới 30 ngày sau.
Giới chức Hồng Kông (Trung Quốc) tăng cường các biện pháp phòng chống lây lan H7N9 tại các cửa khẩu. |
Việc phòng chống cúm H7N9 tương tự với các loại cúm khác. Vệ sinh và giết mổ gia cầm an toàn là cách phòng bệnh tốt nhất. Nên nhớ, đây có thể là một loại cúm có tính sinh bệnh yếu nhưng chúng lại hoàn toàn có thể có tính sinh bệnh cao nhờ vào những điều kiện cụ thể của môi trường. Do đó, luôn cần tính phòng ngừa lên trên hết.
Bs. Nguyễn Cao Hùng
|
WHO tiếp tục giám sát chặt chẽ các ca bệnh
Trước thông tin 2 ca tử vong tại Trung Quốc do virut cúm gia cầm H7N9, chiều 2/4, phóng viên báo Sức khỏe&Ðời sống đã liên lạc với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam để hỏi về vấn đề cúm H7N9 tại Trung Quốc. Ðại diện WHO cho biết, sẽ liên lạc với chuyên gia liên quan và có phản hồi trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả khi có hồi âm của WHO.
Trước đó, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Trung Quốc O’Leary cho biết, một vấn đề quan trọng hiện tại là xem virut này có đang biến đổi để có thể lây nhiễm mạnh hơn với khả năng truyền trực tiếp từ người sang người hay không. Hiện tại, không có bằng chứng nào là như vậy, nhưng các virut nhìn chung biến đổi rất nhanh. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi thời gian các trường hợp mắc bệnh kể trên «cho phù hợp» vì trên thực tế, loại virut cúm H7N9 này mới chỉ được nhận dạng vào ngày 29/3. Ðầu tháng 3/2013, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo, kể từ 2003, cúm gia cầm đã làm thiệt mạng hơn 360 người. H5N1 - loại virut cúm gia cầm phổ biến nhất cho đến nay vốn chỉ lây từ gia cầm sang người nhưng các nhà khoa học lo ngại rằng sự biến đổi của virut này khiến virut có thể truyền được trực tiếp từ người sang người. Ðiều này nếu xảy ra có thể tạo thành một đại dịch toàn cầu.
Theo báo chí Trung Quốc, cơ quan y tế TP. Thượng Hải thông báo gia tăng kiểm dịch, sau khi có 2 trường hợp tử vong vì virut cúm gia cầm loại mới H7N9. Cho đến nay, virus H7N9 được coi là không lây được từ người sang người. Nhật báo Thượng Hải cho biết, Sở Y tế Thượng Hải yêu cầu các bệnh viện phải theo dõi nghiêm ngặt các nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt đối với các bệnh nhân nhập viện vì nhiễm trùng đường hô hấp. Ðược biết, người thứ nhất tử vong do virut cúm mới là một người đàn ông Thượng Hải 87 tuổi, bị ốm vào ngày 19/2 và qua đời ngày 4/3. Người thứ hai là một thanh niên Thượng Hải, 27 tuổi, có biểu hiện bị nhiễm bệnh vào ngày 27/2 và qua đời ngày 10/3. Ðây là các thông tin chính thức của Ủy ban Quốc gia về Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc. Người thứ ba cũng bị mắc bệnh cúm gia cầm, hiện đang trong trạng thái nguy kịch là một phụ nữ 35 tuổi, người An Huy, ngã bệnh ngày 9/3. Trung Quốc là một trong những nước dễ bị tác động của virut cúm gia cầm vì nước này sở hữu nhiều gia cầm nhất trên thế giới, dân cư tại nhiều làng xã Trung Quốc thường xuyên tiếp xúc với gia cầm.
|
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống