Tham dự Hội nghị về phía Bộ Y tế có: PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh; Về phía Liên đoàn Cấp cứu thế giới IFEM có: GS. James Holliman - Chủ tịch Liên đoàn Cấp cứu thế giới IFEM; GS. Joe Lex, GS. Kris Arnold, GS. Tamara Thomas và trên 40 giáo sư, bác sỹ, điều dưỡng đến từ các Bệnh viện, từ Hội Hồi sức cấp cứu Mỹ và đại diện cho tổ chức Good Samaritan; Về phía Bệnh viện Bạch Mai có: PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh -Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; PGS.TS. Đỗ Doãn Lợi - Phó Giám đốc Bệnh viện - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến; GS.TS. Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện - Giám đốc Trung tâm Hô hấp; Về phía Hội Hồi sức Cấp cứu – Chống độc Việt Nam có: GS. Vũ Văn Đính - Anh hùng lao động, nguyên Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu – Chống độc Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Thị Dụ, nguyên Phó chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu – Chống độc Việt Nam; PGS.Ts. Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu – Chống độc Việt Nam…. Và hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các Sở Y tế, Giám đốc các bệnh viện, trưởng các khoa cấp cứu, các bác sỹ, điều dưỡng làm việc trong lĩnh vực cấp cứu của cả nước...
Tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Cấp cứu là một chuyên ngành luôn phải đối mặt với những khó khăn nhất của Y học lâm sàng, người cán bộ làm công tác cấp cứu luôn phải chạy đua với thời gian, với giờ vàng để tìm kiếm cơ hội sống cho người bệnh…Sự khó khăn, khắc nghiệt đó đòi hỏi cán bộ làm công tác cấp cứu phải có tinh thần trách nhiệm cao, kiến thức vững vàng và một mô hình tổ chức cấp cứu hiệu quả. Sự phát triển mạnh mẽ của các khoa cấp cứu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên ngành phát triển kỹ thuật sâu và ngược lại các chuyên ngành lâm sàng cũng hỗ trợ cho chuyên ngành cấp cứu thực hiện nhiều kỹ thuật can thiệp cấp cứu chuyên sâu như: Cấp cứu và kiểm soát bệnh nhân đa chấn thương nặng, thông khí nhân tạo tiên tiến trong cấp cứu, kiểm soát huyết động cấp cứu, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị tắc mạch não cấp, tắc não thất cấp, kỹ thuật dẫn lưu não thất cấp cứu, kỹ thuật thay thế thận cấp cứu … các kỹ thuật này đã được thực hiện ở các đơn vị cấp cứu tuyến Trung ương và 1 số bệnh viện lớn ở địa phương. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch và giao cho các đơn vị có chức năng đào tạo để đề xuất kế hoạch đào tạo kỹ thuật viên cấp cứu (paramedics) phù hợp với điều kiện VN.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết tại BV Bạch Mai chuyên ngành cấp cứu đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào như phát triển nhiều kỹ thuật chuyên môn tiên tiến, cấp cứu được nhiều nhiều bệnh nhân nặng và phức tạp mà những năm trước chúng ta chưa có khả năng thực hiện được…nhiều nghiên cứu khoa học có giá trị cao đã được thực hiện, tham gia đào tạo được hàng trăm bác sĩ chuyên khoa, hỗ trợ các địa phương xây dựng và phát triển hệ thống cấp cứu, chuyên ngành cấp cứu đã thực sự trở thành mũi nhọn của Bệnh viện. Thông qua hội thảo này, Bệnh viện Bạch Mai và Hội Hồi sức cấp cứu-Chống độc thể hiện quyết tâm cao nhằm thúc đẩy chương trình xây dựng và phát triển hệ thống cấp cứu, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
GS. James Holliman, Chủ tịch Liên đoàn Cấp cứu thế giới IFEM chia sẻ: Đối với Việt Nam (VN), chúng tôi hy vọng sẽ có sự chia sẻ công nghệ và kiến thức, đưa tiêu chuẩn của chuyên ngành cấp cứu lên cao hơn. Hy vọng, đây là mốc đánh dấu về sự phát triển cao hơn của hệ thống cấp cứu VN. Cảm ơn các nhà tổ chức đã cho tôi cơ hội này. Chúng tôi kỳ vọng có thể bảo lãnh cho sự gia nhập của VN với Liên đoàn Cấp cứu thế giới IFEM.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Trong ngày đầu tiên, các đại biểu, học viên được lắng nghe và chia sẻ về các nội dung: “Phát triển hệ thống cấp cứu chấn thương”; “Phân loại bệnh nhân trước viện” do GS. James Holliman, Chủ tịch Liên đoàn Cấp cứu thế giới IFEM báo cáo; “Mô hình cấp cứu chấn thương trước bệnh viện Pháp – Đức”; “Dự phòng xuất huyết tiêu hóa trong cấp cứu”; “Hiệu quả kinh tế của mô hình đào tạo cấp cứu chấn thương”; “Cấp cứu ngừng tuần hoàn trước viện theo mô hình cấp cứu tại Richmond, Mỹ”… Trong các ngày tiếp theo, các giảng viên sẽ đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm cho các bác sỹ, điều dưỡng về cấp cứu chấn thương. Chương trình đào tạo kéo dài đến hết ngày 08/3/2013 với 5 trạm: Chăm sóc bệnh nhân chấn thương trước viện”; “Đánh giá ban đầu chấn thương và Chấn thương đầu mặt cổ; Chấn thương ngực; Chấn thương bụng và siêu âm cấp cứu; Kiểm soát đường thở cơ bản và chấn thương; Chấn thương nhi và chấn thương chỉnh hình…
(Quang Tây - theo Ban biên tập Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế)