Trò chuyện tại Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TP HCM, bác sĩ Bùi Nguyễn Hữu Văn, Phó Khoa Hồi sức tích Nội tim mạch, Viên tim TP HCM cho biết, huyết áp được xem là cao khi đo lúc nghỉ ngơi (đo ít nhất 2 lần, ở 2 tay) có kết quả từ 140/90 mmHg trở lên hoặc đo bằng máy đo huyết áp động 24h có kết quả từ 130/80mmHg. Ban đêm thì huyết áp từ 125/75 mmHg trở lên được xem là cao.
Huyết áp cao có thể gây ra nhiều biến chứng ở tim. Bình thường hoạt động của tim gồm 2 thời kỳ kế tiếp nhau. Ở thời kỳ tâm thu, tim (cụ thể là tâm thất) co bóp tống máu vào các động mạch và đi đến các cơ quan trong cơ thể. Thời kỳ tâm trương, sau khi co bóp xong, tim vào thời kỳ nghỉ. Trong thời kỳ này, cơ tâm thất dãn ra, hút máu từ các tĩnh mạch về đổ đầy tâm thất chuẩn bị cho kỳ tâm thu kế tiếp.
|
Huyết áp cao có thể dẫn đến nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm. Ảnh minh họa: lavanyaayurveda |
Một số biến chứng ở tim có thể gặp ở bệnh nhân cao huyết áp
Phì đại thất trái
Là biến chứng rất hay gặp ở người bị cao huyết áp lâu ngày, người lớn tuổi, béo phì và người có huyết áp tăng cao không kiểm soát, chiếm tỷ lệ 10 đến 20%.
Huyết áp tăng làm tăng áp lực lên thành tâm thất trái khiến tâm thất co bóp khó khăn, do đó các sợi cơ tâm thất phải tăng kích thước, tăng thời gian co bóp để duy trì lượng máu bơm ra ngoài. Tình trạng này tiếp diễn lâu ngày sẽ làm cơ tâm thất trái bị phì đại.
Phì đại thất trái làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim và tử vong ở người bệnh cao huyết áp. Khi có biến chứng phì đại thất trái, bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì hoặc có một số biểu hiện như tim đập nhanh, khó thở khi đi bộ nhanh, khi leo cầu thang, hụt hơi, mau mệt khi gắng sức, có thể khó thở khi nằm, phải kê cao gối.
Suy tim tâm trương
Khoảng 1/3 bệnh nhân có phì đại thất trái có suy tim tâm trương. Cao huyết áp lâu ngày làm cho thành tâm thất bị phì đại, bị xơ hóa, giảm khả năng đàn hồi nên không thể giãn ra trong thời kỳ tâm trương, làm hạn chế lượng máu về tim. Hậu quả là ứ đọng máu ở các tĩnh mạch phổi và tĩnh mạch hệ thống.
Bệnh nhân suy tim tâm trương sẽ có các biểu hiện như mệt, khó thở khi gắng sức, ho về đêm lúc nghỉ do ứ đọng ở phổi. Ngoài ra, người bệnh có thể phù chân, tĩnh mạch cổ nổi, tăng cân do ứ máu ở ngoại biên.
Suy tim tâm thu
Là tình trạng tim giảm khả năng co bóp tống máu trong thời kỳ tâm thu dẫn đến không cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cho nhu cầu cơ thể. Suy tim tâm thu là biến chứng rất nặng, làm hạn chế sinh hoạt thường ngày của người bệnh, tăng tỷ lệ tử vong và bệnh tật.
Khi có biến chứng này, người bệnh sẽ có một số triệu chứng:
- Khó thở, mệt khi gắng sức. Lúc đầu khó thở khi gắng sức nhiều, càng về sau khó thở xảy ra khi gắng sức nhẹ và cuối cùng khó thở xảy ra cả lúc nghỉ.
- Ban đêm khi nằm ngủ bệnh nhân ho, khó thở. Trường hợp nặng, bệnh nhân phải ngồi để thở.
- Phù chân, tăng cân.
Thiếu máu cơ tim
Động mạch vành là hệ thống cung cấp máu cho cơ tim. Thiếu máu cơ tim xảy ra khi lượng máu cung cấp đến cơ tim bị giảm do động mạch vành bị tắc nghẽn. Bệnh nhân bị động mạch vành có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao và ngược lại, tăng huyết áp là nguy cơ của bệnh động mạch vành.
Người bị thiếu máu cơ tim sẽ có triệu chứng:
- Cảm giác đè nặng, đau tức ở vùng ngực trái, kéo dài 15-20 phút (có khi đau dữ dội, kéo dài là do nhồi máu cơ tim).
- Đau lan sang cánh tay trái, lan lên đến cằm.
- Xảy ra khi người bệnh gắng sức, bị stress tình cảm, giảm khi người bệnh nằm nghỉ.
Rung nhĩ
Bình thường tâm nhĩ co bóp đều đặn tống máu vào tâm thất trong thời kỳ tâm trương. Rung nhĩ là do các xung điện bất thường trong tâm nhĩ làm tâm nhĩ mất khả năng co bóp, chỉ "rung" với nhịp không đều, hỗn loạn, khiến tim đập không đều, đập nhanh. Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim.
Ở các nước phương Tây, phần lớn các trường hợp rung nhĩ là do tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm suy tim tâm trương, gây ứ đọng máu và tăng áp lực trong tâm nhĩ, lâu ngày làm tâm nhĩ dãn và hình thành các xung điện bất thường trong tâm nhĩ gây rung nhĩ.
Phình, bóc tách động mạch chủ
Động mạch chủ là động mạch chính dẫn máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể. Tăng huyết áp làm tăng áp lực trên thành động mạch, lâu ngày làm thành mạch xơ cứng, dày, lớp nội mạc (lớp trong cùng của động mạch) bị xơ vữa. Động mạch chủ có thể bị giãn, lớp nội mạc có thể bị nứt, vỡ gây nên phình hoặc bóc tách.
Bệnh nhân có thể có các triệu chứng sau:
- Đau dữ dội vùng ngực, bụng hoặc lưng tùy vị trí bị bóc tách.
- Buồn nôn và nôn,
- Co cứng cơ thành bụng,
- Toát mồ hôi lạnh,
Lưu ý, bệnh nhân bị giãn hoặc phình động mạch chủ có thể không có triệu chứng gì.
Phòng ngừa biến chứng tim mạch do tăng huyết áp
- Thay đổi lối sống tích cực, giảm cân ở người thừa cân, béo phì. Khi giảm được 10kg cân nặng sẽ giúp giảm huyết áp từ 5-20 mmHg.
- Tăng cường vận động. Tập thể dục 30-60 phút đều đặn mỗi ngày giúp giảm huyết áp 4-9 mmHg.
- Dinh dưỡng hợp lý, cân bằng, giảm muối, giảm chất béo, ăn nhiều rau quả
- Hạn chế uống rượu, bia, không hút thuốc lá. Hút thuốc lá có thể làm huyết áp tăng 10 mmHg kéo dài đến 1 giờ sau hút. Tránh môi trường có khói thuốc nhằm tránh hút thuốc thụ động.
- Tuân thủ chế độ điều trị, kiểm soát tốt huyết áp. Uống thuốc đều đặn, đúng và đủ liều lượng, tái khám theo đúng lịch hẹn bác sĩ.
- Khi thấy có các triệu chứng bất thường cần đến gặp bác sĩ để khám và tư vấn.
Theo Lê Phương - Vnexpress.net