Tin tức & sự kiện > Thông tin sức khỏe > Người nghèo, người không nghèo và 2,5 lần nguy cơ bệnh lao

Người nghèo, người không nghèo và 2,5 lần nguy cơ bệnh lao11:01 SA - 25/03/2013

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 176.000 người mắc mới bệnh lao các thể. Ước tính, căn bệnh lao cũng giết chết trên 30.000 người mỗi năm.

Việt Nam đang xếp thứ 12 trong số 22 quốc gia trên có gánh nặng về bệnh lao trên thế giới. Với những gia đình nghèo có người bị lao, gánh nặng kinh tế đè nặng trên vai họ, với những khó khăn không dễ sẻ chia.

Nhà nghèo: Bán tài sản đi chữa bệnh

Anh Trần Văn Tuấn (40 tuổi, ở thôn Yên Khoái, xã Thụy An, Ba Vì) đang điều trị lao ở tháng thứ sáu. Sau lần mắc lao đầu tiên vào năm 2009 và đã khỏi bệnh, đây là tái phát bệnh của anh. Đã qua giai đoạn tấn công 2 tháng tiêm và uống thuốc hằng ngày ở trạm y tế xã, giờ đây anh Tuấn đã sang giai đoạn duy trì. Sau 3 lần xét nghiệm đờm có kết quả âm tính, anh Tuấn được coi là khỏi bệnh hoàn toàn.

Để có sức khỏe như hôm nay, gia đình anh đã từng bán trâu, bán lợn “non”, bán đất để có 30 triệu cho anh chi trả tiền đi lên Hà Nội khám bệnh.

Chỉ có thuốc lao được miễn phí, các chi phí xét nghiệm, thuốc men hỗ trợ khác trong quá trình điều trị bệnh nhân phải tự chi trả. Tài sản có giá trị duy nhất trong ngôi nhà 5 gian của hai vợ chồng anh và bố mẹ anh ở cùng chỉ là chiếc tivi đen trắng 14 inch cũ.

Vợ anh Tuấn dáng người gày gò, ngoài làm 5 sào ruộng và nuôi thêm gia súc để tăng thu nhập, chị Tuyết còn phải tranh thủ đi làm thêm cho các nông trường trồng dứa kiếm thêm thu nhập. Con gái đã hơn 5 tuổi, nhưng hai anh chị chưa dám sinh thêm con, sợ không kham nổi. Anh con trai yếu sức khỏe, đến mức không đi được cả xe máy.

Bố mẹ anh Tuấn cũng đều mắc lao trước đó- hồi năm 2008 - 2009. Xấp xỉ 70 tuổi, ông bà vẫn đi làm ruộng, chăn nuôi hỗ trợ cho con dâu gánh thêm kinh tế  vì anh Tuấn rất yếu sức khỏe, có khi đi xe máy không nổi. Ngay cả nhà, mái ngói đã vỡ nhiều, tường đã nứt, nhưng không lấy đâu tiền mà sửa nhà nên cứ phải ở như vậy đã nhiều năm. 

Người nghèo, người không nghèo và 2,5 lần nguy cơ bệnh lao

BS Đinh Văn Tần- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Vì- cho biết: “Những năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân lao phát hiện được điều trị khỏi và đạt kết quả lên tới gần 100%. Để thuận lợi cho bệnh nhân có thể tuân thủ uống và tiêm thuốc đều đặn hằng ngày, thuốc sẽ được đưa về các trạm y tế xã, gần với người dân hơn.

Tuy nhiên, bệnh lao là cần được phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ, không bỏ trị thì bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn. Nhưng ở Ba Vì, những xã ở xa trung tâm huyện nhất có thể lên tới 50km, thế nên theo BS Tần, có thể sẽ còn những người đã mắc lao nhưng do còn chưa hiểu về bệnh, thậm chí mặc cảm, sợ kỳ thị, hoặc vì nghèo quá nên vẫn chưa đến BV kiểm tra và phát hiện.

Lao ngày càng khó kiểm soát

Những lo ngại của BS Tần cũng là chính là một trong thách thức của công tác chống lao ở Việt Nam hiện nay. Bởi PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ - Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia: “Mỗi năm cả nước có khoảng 180.000 người mắc lao các thể mới. Không được điều trị kịp thời, mỗi năm cũng có hơn 30.000 người tử vong. Con số hơn 60% bệnh nhân lao còn chưa được phát hiện và điều trị, đó sẽ là những nguồn lây bệnh cho gia đình bệnh nhân và cả cộng đồng, khiến cho căn bệnh này ngày càng khó kiểm soát hơn”.

TS Phạm Quang Tuệ - Phòng chỉ đạo tuyến BV Lao và Bệnh phổi TƯ:  “Người nghèo mắc lao cao hơn 2,5 lần so với nhóm người không nghèo và cái nghèo này đã khiến họ không có tiền để điều trị cho khỏi bệnh hoàn toàn. Do vậy, nguy cơ lây bệnh của họ cho những người khác vẫn dai dẳng. Một bệnh nhân bị bệnh lao nếu không được điều trị có khả năng làm lây bệnh cho từ 10-15 người/năm.

Lao vẫn được coi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh nhiễm trùng ở người trên 5 tuổi.

Bệnh lao gây ra gánh nặng lớn đến sự phát triển bền vững của xã hội. Những người mắc bệnh này mà không điều trị thì có 50% sẽ chết trong vòng 5 năm, 25% bị tàn phế.


(theo nld.com.vn)

Đăng ký nhận tin Hỗ trợ trực tuyến

  • Yahoo Messenger
  • Skype

Liên kết logo

Quảng cáo