Tin tức & sự kiện > Thông tin sức khỏe > Quyết liệt chặn dịch cúm H7N9 xâm nhập nước ta

Quyết liệt chặn dịch cúm H7N9 xâm nhập nước ta 08:16 SA - 12/04/2013

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ giữa tháng 2/2013 đến nay, tại Trung Quốc liên tiếp xuất hiện các ca bệnh cúm A/H7N9 tại Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, An Huy. Đến ngày 10/4 đã có 33 người nhiễm bệnh, trong đó 9 người đã tử vong. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình (ảnh) trao đổi với PV Tin tức về những biện pháp ứng phó của ngành y tế triển khai ngăn chặn dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam.

 

Xin ông cho biết, virút cúm A/H7N9 có phải là loại virút đã gây bệnh ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới trong thời gian gần đây hay không?


Các loại virút cúm A thường gây bệnh ở động vật. Đối với cúm A/H7 chưa bao giờ xuất hiện và gây bệnh ở Việt Nam. Đặc biệt là cúm A/H7N9 cũng chưa từng xuất hiện ở người trên thế giới. Tại Việt Nam, đến thời điểm hiện nay, chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ nhiễm virút cúm A/H7N9.

 

Thưa ông, đặc điểm của chủng virút cúm A/H7N9 có giống với các chủng virút cúm đã lưu hành ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay hay không?


Virút cúm A/H7N9 thuộc loại virút cúm A và có các thành phần H như H7, H9, H3, H5, H1. Hiện nay có các loại cúm H1N1, H3N2, H5N1, H7N3..., chỉ có thành phần H giống nhau còn thành phần N sẽ tùy theo từng loại cúm và loại N9 thì chưa từng gây bệnh ở người.


Hầu hết các loại cúm A gây bệnh ở động vật nhưng có một số loại lây từ động vật sang người như cúm A/H5N1 và có loại có khả năng lây truyền từ người sang người. Trong số các loại cúm A có hai loại có khả năng lây từ người sang người là cúm A/H1N1 (gây đại dịch từ năm 2009) và cúm A/H3N2. Rất may mắn là cúm A/H1N1 trước đây dù gây tỷ lệ tử vong cao và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo đại dịch, nhưng sau khi dịch lan truyền rất rộng rãi thì lại trở về mức độ nhẹ nên tỷ lệ tử vong rất thấp.


Cúm A/H3N2 diễn biến lâm sàng nặng hơn nhưng tỷ lệ tử vong cũng thấp. Đó cũng là điều rất may mắn.

 

Theo WHO: Cúm A/H7N9 là loại virút cúm mới có nguồn gốc từ gia cầm và đây là lần đầu tiên chủng virút này gây bệnh nặng cho người, dẫn đến tử vong. Đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy bệnh có thể lây từ người sang người.

Ông đánh giá mức độ nguy hiểm của chủng virút cúm và phạm vi lây nhiễm của virút cúm A/H7N9 như thế nào?


Như các phương tiện truyền thông đại chúng đã nêu, từ ngày 1/4, ngày nào WHO cũng cập nhập tình hình cúm A/H7N9 và ngày nào số ca bệnh cũng tăng lên và số tử vong cũng tăng lên. Như vậy, các trường hợp được ghi nhận mắc virút cúm trên đang tiếp tục tăng lên. Mức độ tăng cũng không nhiều, nhưng tỷ lệ tử vong rất cao. Tỷ lệ tử vong trong tổng số mắc chiếm tới 40-50%. Như vậy, tỷ lệ tử vong cao tương đương với cúm A/H5N1.


Điều đáng lo lắng nhất hiện nay là hiện tại đường lây truyền của bệnh từ động vật sang người vẫn chưa rõ ràng, chưa xác định được. WHO đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức y tế của Trung Quốc để nghiên cứu các nguy cơ lây bệnh.


Hiện tại, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, không có vắcxin phòng bệnh nên virút trên nếu lây lan mạnh mẽ giữa động vật với người hay từ người sang người thì điều đó cực kỳ nguy hiểm và đó có thể trở thành một đại dịch.


Hiện nay theo thông báo của WHO, số bệnh nhân mắc mới chỉ có ở Trung Quốc và tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố như Thượng Hải, An Huy... Như vậy, những đối tượng mắc bệnh virút cúm A/H7N9 xảy ra ở một vài tỉnh của Trung Quốc, chưa xảy ra ở các nước khác.


Theo thông báo gần đây của WHO mà tôi nhận được, hiện nay các nhà khoa học đã tìm ra gen của loại cúm này ở chim bồ câu, còn lại ở các động vật khác cũng đang tìm kiếm và chưa phát hiện được.


Trong số các bệnh nhân, hiện người ta chưa tìm thấy yếu tố dịch tễ liên quan giữa các người bệnh với nhau và có hơn 500 trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân đã được cơ quan y tế theo dõi chặt chẽ. Trong số đó có 1 người có biểu hiện ốm, tuy nhiên căn nguyên ốm của trường hợp đó cũng đang được xem xét xem có phải do cúm A/H7N9 hay không.

 

Khi dịch xảy ra, nhất là khi chúng ta ở gần Trung Quốc, với tư cách là cơ quan kiểm soát dịch bệnh trọng điểm, ông có thể nói rõ hơn những biện pháp giám sát để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam?


Đúng là với những diễn biến dịch bệnh đang xảy ra ở Trung Quốc hiện nay thì khả năng bệnh trên xâm nhập vào Việt Nam rất lớn. Nguyên nhân là do Việt Nam có chung đường biên giới khá dài với Trung Quốc. Đặc biệt, cúm A/H7N9 cũng có khả năng lây sang Việt Nam qua các loại động vật hoang dã như chim, hiện nay những nghiên cứu đã phát hiện thấy virút trên có trong chim bồ câu. Tôi xin nhấn mạnh với khoảng cách địa lý gần như vậy, nguy cơ bệnh có thể vào nước ta rất cao.

 

Kiểm dịch y tế tại Cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất.
Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã nhận thức được mối nguy cơ lây bệnh trên. Bộ Y tế đã tổ chức Họp ban chỉ đạo để xây dựng kế hoạch phòng chống, nắm bắt được mối nguy cơ và tổ chức họp ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch để phòng chống cúm A/H7N9. Bộ cũng đã xây dựng các tiểu ban giám sát, tiểu ban điều trị, tiểu ban quan hệ quốc tế… Tất cả các tiểu ban này đều xây dựng kế hoạch khả năng giám sát, khả năng điều trị, khả năng thu dung bệnh nhân điều trị và đáp ứng dịch. Kế hoạch trên đã được Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Y tế làm rõ từng giai đoạn. Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn chưa có ca bệnh nào, do đó các giải pháp chủ yếu là tăng cường năng lực của các cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế, nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường công tác chuẩn bị như tập huấn, rà soát lại trang thiết bị phòng chống dịch và đẩy mạnh giám sát chung trong hệ thống.


Trong kế hoạch, chúng tôi cũng đề cập đến 4 tình huống khi phát hiện bệnh ở gia cầm thì phương pháp giải quyết ra sao và khi bệnh xuất hiện ở người thì có các phương án như thế nào? Các kế hoạch cũng đề cập đến khi virút cúm trên lây từ người sang người. Hiện tại Bộ đang hoàn chỉnh kế hoạch này và trong thời gian sắp tới Bộ Y tế sẽ ban hành kế hoạch phòng chống tới tất cả các thành phố.


Thực hiện công điện của Thủ tướng, Bộ Y tế xây dựng và hoàn chỉnh công tác phòng chống dịch và thành lập ngay các đoàn công tác của lãnh đạo Bộ, các đoàn kiểm tra phối hợp liên ngành sẽ có nhiều đoàn tới giám sát các cửa khẩu. Bên cạnh đó giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu gia cầm, nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Bởi gia cầm là nơi chứa mầm bệnh của các loại cúm A, đặc biệt là cúm A/H7N9.

 

Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam trong những năm gần đây?


Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm trong phòng chống các bệnh cúm cũng như các bệnh đường hô hấp nói chung. Việt Nam có được những kinh nghiệm đối phó với các bệnh trên như dịch SARS (năm 2003), dịch cúm A/H5N1 từ năm 2004 đến nay, cúm A/H1N1 đã trở thành đại dịch từ năm 2009 và xâm nhập vào Việt Nam tương đối rộng rãi. Thời gian qua, để đối phó với những dịch bệnh đó, Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm quý báu.

 

Việt Nam cũng có được hệ thống y tế rộng khắp trên cả nước. Khi hệ thống này được kích hoạt thì hoạt động rất có hiệu quả, nhất là khả năng nắm bắt tình hình. Trên cơ sở đó Bộ Y tế có những chỉ đạo cụ thể sớm và triển khai có hiệu quả.


Như vậy, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên mỗi loại bệnh dịch có một đặc điểm khác nhau. Đặc biệt với cúm A/H7N9 hiện nay, do chưa rõ đường lây. Vì vậy, biện pháp để sát với tình hình cụ thể thì chúng ta chưa có, chỉ có những biện pháp cho phòng cúm nói chung. Cục Y tế dự phòng sẽ theo dõi sát tình hình để có những giải pháp sớm nhất để phù hợp với tình hình.


Chúng ta cũng chưa lường được hết khả năng nếu như có khả năng lây từ người sang người với bệnh cảnh lâm sàng nặng và tỷ lệ tử vong cao là điều rất phức tạp.


Hiện nay, chúng tôi cũng dự toán tăng cường, tính toán ở những cơ sở thu dung bệnh nhân. Những cơ sở trên được thông báo trên các phương tiện để người dân biết và khi có trường hợp mắc bệnh thì cần đến đó để điều trị sớm.


Trân trọng cám ơn ông !

 

Theo Nhật Minh(Thực hiện) - báo tintuc

10 điều cần biết về virút cúm A/H7N9

1. Virút cúm A/H7N9 là gì?

Virút cúm A H7 là một nhóm virút cúm thường có ở gia cầm. Virút cúm A/H7N9 là một nhóm phụ của nhóm H7. Mặc dù một số virút H7 (như H7N2, H7N3, H7N7) thỉnh thoảng có nhiễm sang người nhưng chưa từng có ai bị nhiễm virút H7N9 cho đến khi virút này bùng phát ở Trung Quốc khiến 9 người chết trong thời gian gần đây.

2. Triệu chứng chính của người bị nhiễm virút cúm A/H7N9?

Phần lớn bệnh nhân nhiễm virút này đều bị viêm phổi nặng. Triệu chứng gồm sốt, ho và khó thở.

3. Virút cúm A/H7N9 khác với virút cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1 thế nào?

Cả ba loại đều là virút cúm A nhưng chúng khác nhau ở chỗ: H7N9 và H5N1 được coi là virút gây cúm cho động vật và thỉnh thoảng mới nhiễm vào người. Trong khi đó, H1N1 có thể được chia thành loại thường nhiễm vào người và loại thường nhiễm vào động vật.

4. Quá trình nhiễm virút cúm A/H7N9 ở người như thế nào?

Một số trường hợp nhiễm virút là do tiếp xúc với động vật hoặc với môi trường có loài động vật đó. Virút này được tìm thấy trong chim bồ câu ở một khu chợ tại Thượng Hải, Trung Quốc. Hiện chưa rõ các bệnh nhân bị nhiễm virút này như thế nào. Khả năng truyền virút từ động vật sang người và từ người sang người đang được điều tra.

5. Ngăn chặn virút cúm A/H7N9 như thế nào?

Mặc dù chưa rõ nguồn lây nhiễm và phương thức lây nhiễm nhưng điều quan trọng trong ngăn chặn virút xâm nhập là tuân theo các quy tắc vệ sinh cơ bản gồm vệ sinh tay, vệ sinh đường hô hấp và an toàn thực phẩm. Cụ thể: Rửa tay trước, trong và sau khi chuẩn bị thực phẩm; rửa tay trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh; rửa tay sau khi xử lý phân động vật hoặc tiếp xúc động vật; rửa tay khi chăm sóc người bệnh. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, bỏ khăn giấy đã dùng vào thùng rác đóng kín ngay sau khi sử dụng.

6. Ăn các sản phẩm gia cầm và lợn có an toàn?

Virút cúm không lây truyền nếu ăn thức ăn chín kỹ. Không được ăn động vật chết, đặc biệt là động vật chết vì bệnh. Không nên ăn thịt sống và tiết canh.

7. Có nên đi tới các khu chợ gia cầm sống ở vùng có người nhiễm virút cúm A/H7N9?

Khi tới các khu vực này, tránh tiếp xúc trực tiếp với gia cầm và bề mặt tiếp xúc với gia cầm. Không cho trẻ em lại gần gia cầm ốm và chết.

8. Có vắcxin phòng cúm A/H7N9 không?

Chưa có vắcxin phòng cúm A/H7N9. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới đã phối hợp với các đối tác để chọn virút tốt nhất có thể dùng để sản xuất vắcxin.

9. Virút này có nguy cơ gây đại dịch không?

Về mặt lý thuyết, bất kỳ virút cúm ở động vật nào có khả năng nhiễm vào con người đều có thể gây ra đại dịch.

10. Có nên du lịch tới vùng dịch cúm ở Trung Quốc?

Số ca nhiễm virút cúm A/H7N9 tính đến ngày 10/4 là 33, trong đó 9 người chết. WHO chưa khuyến cáo hạn chế du lịch tới Trung Quốc hoặc hạn chế tiếp xúc với người Trung Quốc. Chưa có bằng chứng liên hệ giữa các ca nhiễm cúm A/H7N9 với bất kỳ sản phẩm nào của Trung Quốc. WHO chưa khuyến cáo hạn chế giao thương với Trung Quốc vào thời điểm này.

Thùy Dương (tổng hợp)

 

Các bài viết khác

Kết quả hiển thị từ 161-161 (trên 161 mục)
 |<  <  8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 >  >|

Đăng ký nhận tin Hỗ trợ trực tuyến

  • Yahoo Messenger
  • Skype

Liên kết logo

Quảng cáo