(Dân trí) - Trong 7 trường hợp mắc chủng cúm mới A/H7N9 tại Trung Quốc có đến 2 ca tử vong và 4 trường hợp đang ở tình trạng rất nguy kịch. GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ nhận định: “Tỷ lệ tử vong cúm mới khá cao”.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh) cũng đã có trao đổi với báo giới xung quanh độc lực của vi rút cúm mới, phát hiện dấu hiệu cúm cũng như cách phòng bệnh (Ảnh: Dân Việt)
2/7 trường hợp tử vong
Các ca nhiễm chủng cúm mới A/H7N9 tại Trung Quốc với 7 trường hợp mắc, 2 tử vong và 4 nguy kịch khiến người dân rất hoang mang, lo lắng. Liệu vi rút cúm này có lây từ người sang người không, thưa ông?
Đây là những trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 ở người đầu tiên và chủng cúm mới này được phát hiện, lưu hành tại Trung Quốc.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguồn gốc, cách thức nhiễm cúm H7N9 từ động vật sang người, lây nhiễm cúm từ động vật sang người theo con đường nào. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng về việc chủng vi rút cúm A/H7N9 lây truyền từ người sang người.
Dù chưa có bằng chứng về sự lây truyền bệnh từ người sang người, nhưng nó là sự cảnh báo của sự biến chủng vi rút cúm gia cầm lây lan một cách đáng lo ngại nhất hiện nay. Vì tính biến dị, biến chủng của vi rút cúm ở gia cầm nói riêng và ở người nói chung.
Biểu hiện của nhiễm chủng cúm mới có những đặc trưng gì? Ông có thể nói rõ hơn về độc lực của chủng cúm này, thưa ông?
Chủng cúm này có biểu hiện không khác gì những chủng cúm đang lưu hành tại Việt Nam. Người bệnh ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, nhức mỏi người và có thể kèm theo viêm kết mạc. Vì thế, để nhận biết dấu hiệu của nhiễm chủng cúm mới là rất khó khăn. Vì thế, việc dựa vào các đặc điểm dịch tễ, ví như người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh, ốm, trở về từ vùng dịch bệnh… là cơ sở để bác sĩ nghĩ tới loại cúm này. Còn để khẳng định kết quả thì phải dựa vào kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm.
Vì thế, Bộ Y tế đã chỉ đạo phải giám sát chặt các ca viêm phổi vi rút ngoài cộng đồng, hoặc những chùm ca bệnh viêm phổi nặng, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm để kịp thời phát hiện sớm ca bệnh. Ngoài ra cần thực hiện giám sát chủ động với người nhập cảnh vào Việt Nam, tiến hành kiểm tra thân nhiệt bằng máy đo nhiệt độ từ xa cho tất cả các hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đường hô hấp cấp cần được khám sàng lọc, cách ly và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng chống nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do vi rút, đặc biệt nếu có yếu tố dịch tễ như đi từ vùng dịch về, tiếp xúc với gia cầm ốm, chết..
Đến nay, trong 7 ca nhiễm có 2 trường hợp tử vong là tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, số bệnh nhân còn quá ít để nói lên mức độ nặng như thế nào. Để đánh giá về độc lực của vi rút đòi hỏi có giám sát tiếp theo trong thời gian tới. Người ta vẫn chưa rõ nguồn gốc các trường hợp nhiễm vi rút cúm này từ đâu, lây truyền như thế nào. Đòi hỏi nghiên cứu rộng hơn trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhất các thông tin bổ sung để nói rõ hơn độc tính cũng như mức độ lây truyền của chủng cúm này.
Rửa tay để phòng cúm
Xin ông cho biết chủng vi rút cúm nào đang lưu hành phổ biến tại Việt Nam?
Kết quả giám sát cúm năm 2012 cho thấy, tại Việt Nam lưu hành chủ yếu là cúm A/H3N2 và cúm B. Gần đây lưu hành có thay đổi một chút là lưu hành cùng một lúc cúm B và cúm A/H1N1 đại dịch và cúm mùa thông thường trong vài năm gần đây.
Thưa ông, ông có khuyến cáo gì để người dân phòng ngừa bệnh cúm nói chung cũng như chủng cúm mới này?
Với chủng cúm mới, dù chưa xác định con đường lây truyền, chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người, nhưng đây là loại vi rút cúm bắt nguồn từ gia cầm, vì thế Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo phòng bệnh người dân không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Người trở về từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để theo dõi sức khỏe.
Còn để phòng lây truyền, cúm là bệnh lây qua đường hô hấp, nên phương pháp phòng cúm kinh điển, dù là cúm bệnh dịch hay cúm A mới ở người, việc quan trọng đầu tiên phải rửa tay bằng xà phòng. Hạn chế tiếp xúc người nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Thứ ba là thường xuyên mở cửa thông thoáng phòng, lau chùi đồ vật, dụng cụ bằng các nước sát khuẩn thông thường, tăng cường nâng cao thể trạng bằng hoạt động thể dục thể thao. Khi tiếp xúc nơi đông người, nơi xảy ra dịch, với người mắc bệnh hô hấp cấp tính nên đeo khẩu trang. Những trường hợp có biểu hiện sốt, ho, đặc biệt là khó thở không rõ nguyên nhân nên đến sớm cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Xin cảm ơn ông!
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, đến nay Trung Quốc đã phát hiện thêm 4 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Cả 4 trường hợp nhiễm mới này đều đang trong tình trạng nguy kịch. Tới nay, Trung Quốc đã ghi nhận 7 trường hợp nhiễm vi rút cúm A/H7N9 ở người, trong đó 2 trường hợp tử vong. Tất cả 7 trường hợp trên đều có triệu chứng viêm đường hô hấp tiến tới viêm phổi và suy hô hấp. |
Theo - Tú Anh (ghi) - Dantri