Khi cơ thể mất nước, thậm chí cả khi mất nước không nhiều, chỉ ở mức xấp xỉ 2% trọng lượng cơ thể, đã có thể dẫn đến những hiện tượng khó chịu như nhức đầu, mệt mỏi, kém tập trung, dễ quên những việc nhỏ nhặt, phản xạ chậm chạp. Vì thế, cần uống nước thường xuyên, ngay cả khi không cảm thấy khát nước.
Bạn có biết cách uống nước?
Lượng nước bị đào thải khỏi cơ thể qua đường tiểu trung bình của 1 người trưởng thành khoảng 1,5 lít/ngày. Mặt khác, ta còn bị mất gần 1 lít nước mỗi ngày qua đường thở, mồ hôi và cử động của ruột. Tuy nhiên, nước được bù lại thông qua thực phẩm cũng chỉ khoảng 20% nhu cầu chất lỏng của cơ thể. Các nghiên cứu y khoa đưa ra khuyến nghị nam giới nên uống 3 lít nước/ngày, nữ 2,2 lít. Đó là chưa nói tới các trường hợp như nhu cầu nước cho những hình thức lao động khác nhau, như viên chức văn phòng, người lao động trong hầm lò, ngoài công trường, phụ nữ đang mang thai hay cho con bú, chơi thể thao...
Chè tươi là nước giải nhiệt rất tốt. Ảnh: XUÂN THẢO
Đàn ông trưởng thành cần uống trung bình 2,5 lít nước/ngày, phụ nữ cần khoảng 2 lít. Nguồn nước trong thực đơn bao gồm cả thức ăn hằng ngày (chiếm khoảng 20% - 30% nhu cầu nước của cơ thể) và các loại đồ uống bảo đảm khoảng 70% - 80% còn lại, tuy nhiên, tỉ lệ này còn tùy thuộc vào thực đơn cụ thể của từng người, theo khuyến cáo của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA). EFSA cho biết với trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi cần bổ sung 680 ml/ngày hoặc 100-190 ml/ngày (sữa mẹ hoặc các loại sữa đã chế biến). Trẻ từ 6-12 tháng tuổi cần bổ sung 0,8 - 1,0 lít/ngày (sữa mẹ, sữa bò đã chế biến và những thức ăn, đồ uống thích hợp).
Trẻ từ 1-2 tuổi cần 1,1-1,2 lít/ngày. Trẻ từ 2 - 3 tuổi cần 1,3 lít/ngày. Trẻ em từ 4-8 tuổi cần 1,6 lít/ngày. Trẻ em trai từ 9-13 tuổi cần 2,1 lít/ngày, tuổi tương tự với trẻ em gái cần 1,9 lít/ngày. Trẻ vị thành niên 14-18 tuổi, là trai cần 2,5 lít/ngày, là gái cần 2,0 lít/ngày. Lượng nước trên được chỉ định trong điều kiện thời tiết và cường độ hoạt động thể chất bình thường.
Bạn cũng nên biết cách uống nước, nên uống nước nhiệt độ không quá nóng cũng không quá lạnh, thích hợp nhất là 10-300C. Cần phải uống từ từ, uống nước càng chậm càng tốt. Uống nước nhiều trong một thời gian ngắn sẽ nhanh chóng làm máu loãng ra, làm tăng gánh nặng cho tim sẽ rất nguy hiểm nếu lại vừa tập thể dục, chạy hay làm việc nặng...
Nước cho mùa hè
Mùa hè, nhiều người thích uống nước đá để giảm cơn khát và cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, đó là một thói quen không lành mạnh có thể gây ra thiệt hại nhất định đến sức khỏe của con người.
Dưới đây là vài gợi ý cách giải nhiệt mùa hè:
- Tốt nhất là dùng nước chè tươi, vì nước chè tươi làm cơ thể giảm 0,5 độ thân nhiệt. Hoặc có thể uống nước gạo rang pha chút muối ăn cũng tốt, nhất là người lao động ngoài trời, trên công trường.
- Nóng nhiệt có thể gây chảy máu cam ở trẻ nhỏ, dùng hạt ươi sao vàng, nấu lấy nước cho trẻ uống thay nước.
- Giải độc, thanh nhiệt khi nắng nóng: Bột sắn dây vừa đủ pha vào trong một ly nước sôi để nguội, cho ít đường phèn khuấy tan uống, có thể uống vài lần trong ngày.
- Giải nhiệt độc cho trẻ: Nắng nóng làm trẻ luôn bứt rứt khó chịu, dùng ngò rí tươi nấu lấy nước, thêm đường cho trẻ uống.
- Trị nóng người, tiểu vàng: Cỏ tranh 30 g, mã đề 30 g, bồ công anh 30 g, nấu lấy nước uống. Hay dùng đậu xanh nấu cùng đường phèn lấy nước uống.
- Dùng nước giải nhiệt, giải độc: Dùng muối ăn cùng với đường phèn với tỉ lệ 20 g đường phèn cho vào 5 hạt muối, hòa trong 250 ml nước sôi để nguội, chia ra uống trong ngày. Loại nước này có muối ăn nên có khả năng hồi phục điện giải trong cơ thể khi trời nắng nóng gây đổ mồ hôi.
Lưu ý trẻ em và người già
Cần lưu ý trẻ em và người cao tuổi là đối tượng đặc biệt bị đe dọa nguy cơ mất nước. Do trẻ em thường ham chơi hoặc mải mê học tập mà quên uống nước. Với người cao tuổi, một số gặp vấn đề về trí nhớ khiến họ quên uống nước, một số sợ phải đi tiểu nhiều, tiểu đêm nên họ hạn chế uống nước.
|