Tin tức & sự kiện > Thông tin cần biết > 4 kịch bản phòng chống cúm H7N9 tại Việt Nam

4 kịch bản phòng chống cúm H7N9 tại Việt Nam08:03 SA - 09/04/2013

Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch với 4 tình huống diễn biến dịch được đặt ra. Hiện nước ta chưa phát hiện sự hiện diện của virus trên gia cầm cũng như người.

Theo đó, có 4 kịch bản được đặt ra là khi chưa có ca mắc; có ca mắc nhưng chưa lây từ người sang người; phát hiện ca bệnh lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ; khi dịch bùng phát ra cộng đồng.

Giai đoạn đầu, Bộ yêu cầu 3 Viện gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP HCM, Viện Pasteur Nha Trang sẵn sàng tiếp nhận mẫu để chẩn đoán xác định cúm H7N9. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, số liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ tử vong khá cao. Bệnh nhân có ở tất cả các lứa tuổi khác nhau, bé nhất là một trẻ 4 tuổi, nhiều tuổi nhất là một cụ 87 tuổi, những trường hợp 27-28 tuổi cũng có. Vì thế, các nhà khoa học cũng như Tổ chức Y tế thế giới còn nhiều câu hỏi, vấn đề quan ngại đặt ra với bệnh dịch này. 

cumh7n9-jpg-1365388229_500x0.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng dịch cúm H7N9 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hôm 6/4. Ảnh: N.P.

"Đến nay người ta chưa xác định được nguồn lây bệnh từ đâu. Trong 16 trường hợp nhiễm cúm H7N9 thì có 5 người tiếp xúc với gia cầm, lợn. Trung Quốc cũng phát hiện chim bồ câu mang chủng cúm này, nhưng lại không có mối liên quan dịch tễ nào đối với những người bệnh. Vì thế, có rất nhiều giả định khác nhau và các chuyên gia cũng lo ngại một đại dịch có thể xảy đến”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đặc tính của virus cúm A là thường xuyên biến đổi có thể thành chủng mới dễ dàng lây truyền sang người. Lịch sử trên thế giới đã ghi nhận các dịch cúm A(H7) với nhiều trường hợp mắc và tử vong ở người. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.

Cuối tuần vừa rồi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm H7N9 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương- là nơi sẽ tiếp nhận điều trị bệnh nhân nếu có. Ngày 9/4, Bộ Y tế sẽ họp hội đồng khoa học để thẩm định phác đồ này.

Theo Tân hoa xã, nạn nhân mới nhất của virus cúm H7N9 là một người đàn ông, 55 tuổi, ở tỉnh An Huy, làm nghề buôn bán gia cầm sống, nâng tổng số ca mắc lên 21 và 6 ca tử vong. Xuất phát từ thành phố Thượng Hải, hiện các ca nhiễm cúm đã xuất hiện ở tỉnh An Huy, Chiết Giang và Giang Tô. Nhiều thành phố ở phía đông Trung Quốc đã đóng cửa các chợ kinh doanh gia cầm sống. 

(Quang Tây - theo Nam Phương - VnExpress.net)


Đăng ký nhận tin Hỗ trợ trực tuyến

  • Yahoo Messenger
  • Skype

Liên kết logo

Quảng cáo